Thời điểm thích hợp để phát hành trái phiếu quốc tế
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thông báo về việc phát hành trái phiếu quốc tế. Đâu là lý do các ngân hàng tích cực tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài và liệu có rủi ro nào đối với các ngân hàng từ chiến lược trên. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo nguồn nhân lực BIDV để hiểu rõ hơn về động thái trên của các ngân hàng.
Phóng viên: Ông có nhận định gì về việc các ngân hàng Việt Nam tích cực phát hành trái phiếu quốc tế sau một thời gian trầm lắng?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, về cơ bản việc các ngân hàng phát hành trái phiếu do nhu cầu để tăng nguồn vốn cấp 2 đáp ứng chuẩn Basel II cũng như tăng nguồn vốn trung dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định ngày càng chặt chẽ hơn của NHNN.
Ngoài ra, cũng có thể để đáp ứng một phần nhu cầu ngoại tệ trong trung - dài hạn trong bối cảnh hoạt động cho vay ngoại tệ cũng đang được kiểm soát dần.
Một lý do quan trọng nữa, đây đang là thời điểm tương đối thuận lợi ở góc độ cả vĩ mô và vi mô. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh ngân hàng tích cực. Trong khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thăng hạng tín nhiệm quốc gia cũng như ngân hàng, khiến chi phí huy động ngoại tệ, phát hành trái phiếu giảm hơn so với những thời điểm trước đây.
Ngoài ra còn một lý do nữa khiến các ngân hàng chuyển hướng phát hành trái phiếu quốc tế, do thị trường trái phiếu trong nước vẫn chưa phát triển. Theo tôi, thời điểm này các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế tương đối thuận lợi hơn.
Vậy theo ông khả năng thành công khi phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng có cao không?
Khả năng thành công khi phát hành trái phiếu của các ngân hàng thường cao hơn so với DN, trừ một số DN rất lớn như Vingroup... Có mấy lý do chính khiến đa số ngân hàng phát hành dễ dàng hơn. Thứ nhất là hệ số tín nhiệm của các ngân hàng về cơ bản được đánh giá tương đương với quốc gia.
Thứ hai là ngân hàng hoạt động đặc thù, chính vì thế mà Chính phủ quan tâm đặc biệt, khả năng để phá sản rất thấp nên đầu tư an toàn hơn.
Thứ ba là mức độ chuyên nghiệp của các ngân hàng được các NĐT đánh giá cao hơn thể hiện qua việc quản lý dòng tiền, đầu tư hiệu quả, quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất chuyên nghiệp hơn…
Liệu lãi suất trái phiếu ngoại tệ có chênh lệch nhiều so với nội tệ không, thưa ông?
Theo tôi chênh lệch lãi suất cũng không nhiều lắm. Vấn đề là cơ hội huy động vốn thành công khi phát hành trái phiếu ngoại tệ có thể lại cao hơn. Như nói ở trên, trong bối cảnh thị trường trái phiếu ở trong nước chưa phát triển, việc phát hành không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng.
Theo tôi, thời điểm này các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế tương đối thuận lợi hơn. - TS. Cấn Văn Lực
Chưa kể các NĐT Việt Nam chưa có thói quen đầu tư dài hạn nhất là trái phiếu kỳ hạn dài chưa có nhiều người mua. Trong khi NĐT nước ngoài có thể sẵn sàng mua và đầu tư dài hạn hơn. Tất nhiên chỉ là những ngân hàng có tiềm lực, có uy tín, thương hiệu mới phát hành được. Còn ngân hàng nhỏ, độ tin cậy chưa cao đối với các NĐT thì khó phát hành.
Do kỳ hạn trái phiếu thường khá dài nên nhiều ý kiến lo ngại các ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro lãi suất, tỷ giá. Quan điểm của ông đối với việc này ra sao?
Đúng là có những rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt khi phát hành trái phiếu quốc tế. Dù các ngân hàng chưa công bố cụ thể lãi suất, nhưng tôi nghĩ là lãi suất của trái phiếu quốc tế ở mức tương đối cao. Vì mức độ rủi ro của Việt Nam nói chung và TCTD nói riêng vẫn tương đối cao so với các nước trong khu vực cũng như so với khẩu vị rủi ro của các NĐT.
Trong khi đó, lãi suất cho vay đầu ra ở Việt Nam, về cơ bản sẽ duy trì ổn định theo định hướng chung của Chính phủ, NHNN. Cái lo ngại nữa là rủi ro tỷ giá. Khi mà tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp theo đó tỷ giá cũng biến động mạnh hơn.
Nhưng cũng không nên quá lo ngại khi xét trên nhiều phương diện như tôi đã phân tích ở trên. Chưa kể, không phải ngân hàng muốn phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng được mà phải báo cáo và được sự chấp thuận của NHNN.
Xin cảm ơn ông!