Thống nhất một đầu mối quản lý nợ công: Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Đầu mối quản lý nợ công đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và vẫn băn khoăn khi cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công, chiều ngày 17/8.
Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, trong quản lý nợ công, giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau.
Theo đó, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách lại đề nghị quy định thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công vì đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính; phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.
Việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công sẽ không khắc phục được tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, bất cập hiện nay.
Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cũng lo ngại việc thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công đòi hỏi phải điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy liên quan đến công tác quản lý nợ tại một số cơ quan. Vì vậy, cơ quan này đề xuất quy định rõ Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Chia sẻ về các ý kiến còn khác nhau về việc thống nhất chung một đầu mối hay giữ nguyên ba đầu mối trong quản lý nợ công hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án là một đầu mối vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay.
"Chúng ta muốn hội nhập với kinh tế thế giới, thì cũng phải hội nhập trong công tác quản lý nền tài chính - tiền tệ: Ngân hàng làm quản lý chính sách tiền tệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư lo về định hướng chiến lược phát triển... còn tài chính đất nước thì nên để cho Bộ Tài chính làm. Tài chính mới làm được việc là thu gì, chi gì, thiếu chi thì vay đâu, vay về làm gì phải đúng mục tiêu chiến lược, kế hoạch đề ra và phải lo để cân đối trả nợ.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị có nguyên tắc rất quan trọng là “một việc chỉ một người làm” và “một người làm nhiều việc”. Nhưng thực tế công tác quản lý nợ công hiện đang là “một việc ba người làm”. Bởi vậy, "Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm ngay từ đầu là một đầu mối."- Bộ trưởng nói.
Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "một bộ làm nhiều việc, nhưng một việc không để nhiều bộ làm"; "một người đi đàm phán, một người phân bổ vốn, một người cân đối để trả nợ, thì ở trên thế giới rất hiếm quốc gia nào giống Việt Nam".
Do vậy, cần phải thống nhất đầu mối quản lý nợ công, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nếu đưa ra lý do không thay đổi đầu mối quản lý để tránh làm xáo trộn chức năng nhiệm vụ tổ chức của một số cơ quan thì không thuyết phục, không hợp lý với việc cải cách hành chính nhà nước hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nếu vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, thì đề nghị hai cơ quan này cần làm việc thêm với nhau để thống nhất lại, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bàn lại với nhau, trên tinh thần của Nghị quyết 07, vì lợi ích quốc gia. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động để xem xét, nếu như tập trung vào một đầu mối thì có lợi gì, nếu để như hiện nay thì có lợi gì và 2 cơ quan thống nhất với nhau, sau đó sẽ trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp sau.