Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công
Nghị quyết số 51/NQ-CP Chính phủ vừa ban hành ngày 19/6/2017 yêu cầu tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia.
Nghị quyết số 51/NQ-CP cũng yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; Phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước tối thiểu như mức Nghị quyết của Quốc hội đề ra, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay, tăng dự trữ nhà nước. Để triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, Nghị quyết số 51/NQ-CP cũng chỉ ra một số nội dung trọng tâm cần triển khai thực hiện.
Hoàn thiện chính sách thu
Nghị quyết số 51/NQ-CP yêu cầu hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; Tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng tỷ trọng thu từ thuế và phí trong tổng thu ngân sách nhà nước; Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.
Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công (đặc biệt với đất đai, tài nguyên, tài sản tại khu vực sự nghiệp công, tài sản là các loại kết cấu hạ tầng giao thông) nhằm huy động vốn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra; Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, vừa ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới, áp dụng các biện pháp, kỹ năng quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, giảm tỷ trọng nợ đọng thuế.
Đối với công tác chi ngân sách, Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ hành chính sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ, tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách lương.
Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong các lĩnh vực chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển. Cơ cấu lại chi ngân sách trong từng lĩnh vực, tập trung vào các dịch vụ thiết yếu, ngân sách nhà nước phải đảm bảo, hỗ trợ.
Hoàn thiện thể chế quản lý ngân sách nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phân định rõ nội dung, phạm vi của Nhà nước và thị trường; Rà soát các chính sách, chế độ an sinh - xã hội; Đẩy mạnh thực hiện khoán chi và tiền tệ hóa, đưa vào thu nhập một số chính sách, chế độ theo tiêu chuẩn, định mức chi.
Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; tiếp tục triển khai và hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát cam kết chi phù hợp với các quy định về quản lý kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, các quy định của Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn; Từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, các chỉ tiêu giám sát nợ công, bộ máy quản lý nợ công, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế, để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài quốc gia hằng năm trong giới hạn, mục tiêu đề ra; đảm bảo dư địa dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn; thực hiện tái cơ cấu nợ công nhằm giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, tín dụng; bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công, chỉ tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, thực sự có hiệu quả, đảm bảo khả năng cân đối nguồn trả nợ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay về cho vay lại.
Bên cạnh đó, triển khai cơ chế cho vay lại đối với các chính quyền địa phương, cơ chế chia sẻ rủi ro tín dụng với các cơ quan cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho 02 ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
Tăng cường giám sát thực hiện hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài; Rà soát các dự án lớn, đánh giá thực trạng vốn mỏng (tỷ lệ vốn vay/vốn góp lớn) của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để làm cơ sở dự báo nhu cầu vay nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp; Kiện toàn chế độ báo cáo thống kê nợ nước ngoài tự vay tự trả để phục vụ công tác theo dõi, giám sát hạn mức.