Sửa Luật Quản lý thuế:

Thống nhất quy định về mức trả tiền lãi cho người nộp thuế

Thùy Linh

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 sau 4 năm thực thi đã bộc lộ một số vướng mắc trong cơ chế chính sách, pháp luật liên quan. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số quy định nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số quy định nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số quy định nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Tại dự thảo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong quy định mức tiền phải trả lãi tại Luật Quản lý thuế.

Cụ thể, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về trả tiền lãi cho người nộp thuế khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm với mức tính lãi là 0,03%/ngày nhưng chưa có quy định cụ thể về thẩm quyển, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả nên hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

Theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Như vậy, quy định về mức lãi phải trả tại 2 văn bản pháp luật trên có sự không thống nhất.

Cũng theo Bộ Tài chính, về quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp vẫn chưa thống nhất giữa các quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành. Theo đó, quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế hiện hành chưa thống nhất với quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp đối với trường hợp phải nộp tiền chậm nộp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế.

Một vướng mắc khác liên quan đến quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thực tế hiện nay, việc áp dụng 2 biện pháp cưỡng chế Kê biên tài sản và biện pháp thu bên thứ 3 rất khó thực hiện và không có hiệu quả (biện pháp kê biên tài sản thường mới chỉ dừng lại ở bước xác minh thông tin; biện pháp thu bên thứ 3 mới chỉ thực hiện được một số trường hợp do bên thứ 3 có khoản nợ đến hạn phải trả người nộp thuế).

Nguyên nhân do khi cơ quan thuế thực hiện xác minh thông tin thì người nộp thuế không có thông tin về tài sản hoặc các đơn vị không cung cấp thông tin. Trường hợp có thông tin về tài sản thì hầu hết tài sản của người nộp thuế đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng; khó xác định quyền sở hữu tài sản của đối tượng nộp thuế để cưỡng chế hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nộp thuế nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu; giá trị còn lại của tài sản thấp và việc định giá tài sản khó thực hiện. Hiện, cơ quan thuế không có chức năng định giá nên chỉ có thể xác định được giá trị nếu tài sản kê biên là tiền mặt (đồng Việt Nam, ngoại tệ), kim loại quý...

Đối với tài sản là nhà xưởng, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hóa thì cơ quan thuế không ước định được giá trị tài sản kê biên nên không xác định được giá trị tài sản kê biên có tương đương với khoản tiền thuế nợ của người nộp thuế. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện được biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào các đơn vị liên quan; cơ quan thuế phải có kho bãi, nhân lực để cất giữ bảo quản số tài sản kê biên trước khi đem ra đấu giá (nhất là đối với tài sản là máy móc, thiết bị, hàng hóa)…theo đó, việc thực hiện biện pháp này sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Ngoài ra, nếu thực hiện theo quy định được áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó và biện pháp cưỡng chế tiếp theo trong trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện để xác định biện pháp cưỡng chế tiếp theo hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó có hiệu quả hơn thì khi đang áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc thu bên thứ 3 cơ quan thuế rất khó xác định được việc áp dụng biện pháp này không có hiệu quả là như thế nào.

Các quy định mang tính chất định tính như “một số biện pháp”, “không hiệu quả” nên cơ quan thuế rất khó xác định và thực hiện; chưa có nguyên tắc đối với người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì có thể lựa chọn áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế phù hợp trong 7 biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu tiền nợ thuế cho ngân sách nhà nước.

Để khắc phục những hạn chế trên, tại Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện quy định tại Luật Quản lý thuế để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Cụ thể, sửa đổi quy định về mức tiền phải trả lãi (sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 16 về quyền của người nộp thuế và bãi bỏ khoản 3 Điều 75 về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế) nhằm đảm bảo thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước.

Đồng thời, sửa đổi quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp nhằm đảm bảo áp dụng văn bản quy định pháp luật thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 59 về thời gian tính tiền chậm nộp).

Cùng với đó, sửa đổi quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập của việc áp dụng biện pháp Kê biên tài sản và biện pháp thu bên thứ 3, góp phần tăng hiệu quả trong công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước (sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 125 về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế).