Thu hút FDI với tinh thần chủ động hơn
Tuy FDI đã có dấu hiệu phục hồi với nhiều dự án lớn, song với những gì đã đạt được trong nửa đầu năm có thể nói vẫn chưa thấy dấu hiệu của một làn sóng FDI mới trong xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc.
Chưa sẵn sàng đón đại bàng?
Những số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy những dấu hiệu đáng mừng về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm.
Trong đó đáng chú ý là quy mô của các dự án tăng đáng kể, bình quân khoảng 6 triệu USD/dự án. Thậm chí có không ít dự án sản xuất quy mô lớn tới vài trăm triệu, thậm chí là cả tỷ USD như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD; dự án Nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải (Hồng Kông) có tổng vốn đầu tư 214 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất của USI (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD… Bởi vậy, mặc dù trong 6 tháng đầu năm chỉ có 1.418 dự án được cấp phép mới, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước; song tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 13,8%.
Trong khi hiện nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Pegatron… đã và đang có dự định dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Qua tiếp xúc, tìm hiểu và theo nhiều khảo sát với các nhà đầu tư quốc tế thì rất nhiều nhà đầu tư bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn và Việt Nam đang có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19.
Tuy FDI đã có dấu hiệu phục hồi với nhiều dự án lớn, song với những gì đã đạt được trong nửa đầu năm có thể nói vẫn chưa thấy dấu hiệu của một làn sóng FDI mới trong xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Trên thực tế vẫn còn khá nhiều hạn chế, nhiều bất cập, mà các nhà đầu tư trong nước đã đang gặp phải. Những điểm này nếu không sớm được khắc phục ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Một nhà đầu tư khu công nghiệp cho biết, để đầu tư vào khu công nghiệp, nhanh nhất cũng phải mất hai năm làm thủ tục đầu tư và trải qua quy trình từ đưa hồ sơ dự án đến cấp tỉnh thì phải thêm 3 lần trình Thủ tướng, 4 lần lấy ý kiến các bộ ngành… Chưa kể thời gian xây dựng hạ tầng, nhà xưởng tiếp theo. “Chừng ấy thời gian có thể làm cơ hội mất đi”, vị chủ đầu tư này phát biểu.
Còn rất nhiều bất cập khác nữa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phản ánh. Trong khi đó các quốc gia trong khu vực cũng đang rất tích cực thu hút đầu tư. Nhiều quốc gia đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư như hỗ trợ về thuế, đất đai, các biện pháp về xúc tiến đầu tư, các biện pháp ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng…
Từ những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư phản ánh, PGS.TS. Đặng Hùng Võ cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có sự chuẩn bị để đón “đại bàng đến làm tổ”. Đơn cử như “Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Xây dựng đã được sửa đổi nhưng Luật Đất đai vẫn đứng yên thì các nhà đầu tư nước ngoài sao có thể tin tưởng để vào đầu tư tại Việt Nam”, GS.Võ nói.
Chậm thì chỉ đón được… chim sẻ
Sự thiếu sẵn sàng để đón “đại bàng” cũng được nhìn thấy ở sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật. Hệ thống văn bản pháp luật kinh doanh vẫn thể hiện sự can thiệp thái quá của Nhà nước và còn nhiều thủ tục hành chính không đạt chuẩn... Khung pháp lý hay thay đổi, khó có thể đoán định và chưa có tầm nhìn đủ xa để thu hút các công ty nước ngoài hoạt động và trở thành đối tác lâu dài tại Việt Nam. Các chính sách ưu đãi khuyến khích chưa phù hợp để thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng mỗi bộ ngành một luật. Sự bất cập của hệ thống pháp luật gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. “Theo luật của bà bộ trưởng này thì đúng, chiểu theo luật của ông bộ trưởng khác thì sai”, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã nói vậy khi nhận xét về hệ thống pháp luật kinh doanh. Bên cạnh những bất cập, hạn chế trên thì hiện nay những rủi ro từ chính sách đang lớn dần lên và ngang bằng với rủi ro thị trường. “Đây cũng sẽ là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam”, một chuyên gia khác cũng lên tiếng.
Rất lạc quan với dự báo năm nay Việt Nam có thể hút khoảng 20 tỷ USD vốn FDI, nhưng GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN FDI Việt Nam cũng nhận thấy những bất cập của hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhất là trong khâu thực thi. “Khi họ đã muốn dịch chuyển đầu tư thì không thể bắt chờ đợi 6 tháng hay 1 năm. Tôi nghĩ rằng nếu làm tốt, chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc thu hút vài chục tỷ USD”, GS.Mại nói.
Vì vậy để đón đầu làn sóng đầu tư, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần tăng tốc cải thiện, cải cách, quá trình ra quyết định cũng như thực hiện phải nhanh hơn, chính sách, quy định phải nhất quán, ổn định… Đặc biệt theo TS.Võ Trí Thành - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, thế giới đang thay đổi nhanh, bất định. Dòng đầu tư đang dịch chuyển, nếu không chủ động sẵn sàng là chúng ta không nắm, không tận dụng được dòng vốn này. Nhưng sự chủ động này không chỉ là dành đất, đưa ra ưu đãi, mà cần phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa. “Chúng ta phải từ thế bị động, dọn tổ cho họ, giờ còn phải chủ động, tăng tốc cùng với cải thiện chính mình để mời gọi họ và phải “săn” họ vào”, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cùng quan điểm trong bối cảnh mới, địa kinh tế chính trị thay đổi, Việt Nam cần làm mới mình, phải vận hành nhanh hơn, cải cách mạnh hơn, nếu chậm thì chỉ đón được chim sẻ mà không đón được đại bàng.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về biện pháp đón làn sóng đầu tư nước ngoài hồi cuối tháng 5/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo “Chúng ta phải có tinh thần tiến công, chủ động hơn… Chúng ta phải biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam và phải làm nhanh hơn, tốt hơn”. Theo đó, cần phải xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía.