Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Kiên quyết thu hồi nợ thuế của doanh nghiệp lớn

Minh Hà

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2015 tổ chức tối 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề thu - chi ngân sách nhà nước, nợ công… Đây là những vấn đề “nóng” đang được báo chí, dư luận xã hội quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10. Nguồn: Chinhphu.vn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10. Nguồn: Chinhphu.vn

Cơ cấu ngân sách cải thiện tích cực

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thu ngân sách năm 2015, với dự toán được giao là 911.100 tỷ đồng. Ước thực hiện năm 2015, tổng thu ngân sách sẽ vượt 16.400 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách địa phương sẽ vượt khoảng 47.000 tỷ đồng, thu ngân sách Trung ương dự kiến hụt hơn 31.000 tỷ đồng. Ở đây do tác động của giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, đã tác động giảm thu khoảng 63.000 tỷ đồng.

Do vậy, một trong những giải pháp để bù lại nguồn thu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, Bộ Tài chính đang chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan phấn đấu tăng thu ngân sách qua rà soát nợ, quyết liệt thu hồi nợ thuế của các DN lớn đã có kết luận kiểm toán (khối DN này có số nợ khoảng 34.000 tỷ đồng).

Cùng với đó là tăng cường kiểm soát chặt chẽ tiết kiệm chi, trình cấp có thẩm quyền việc đến 31-12 nếu cơ quan đơn vị nào chưa dùng hết dự toán thì không được chuyển sang năm sau. Bộ Tài chính đã trình việc dùng số ngân sách dự phòng 3.500 tỷ và phần tiết kiệm chi 1.500 tỷ để bù hụt thu ngân sách nhằm phấn đấu giảm việc sử dụng phần bán vốn nhà nước 10.000 tỷ đồng.

Trước câu hỏi về việc bất cân đối trong thu ngân sách, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, cơ cấu thu NSNN đã thay đổi theo hướng ngày càng tích cực những năm qua. Nếu giai đoạn 2005-2010 thu nội địa chiếm 60% thì giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ này là 68%, năm 2015 là 74%. Với doanh thu từ sản xuất, kinh doanh tăng dần như vậy là sự cải thiện tích cực tạo cho cơ cấu của NSNN ngày càng bền vững.

Các phần thu từ dầu thô, khai thác tài nguyên, từ nhập khẩu ngày cànggiảm đi… Đây là cơ cấu tích cực, thu nội địa tăng lên, thể hiện cơ cấu ngân sách vững chắc hơn. Trong đó số thu từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân… ngày càng tăng dần.

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, về thu ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến tổng thu sẽ là 1.014.000 tỷ đồng, tăng 103.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2015.

Về dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 là 255.750 tỷ đồng, cao hơn mức bội chi ngân sách nhà nước 254.000 tỷ đồng. Tính cả chi đầu tư từ nguồn Trái phiếu Chính phủ 60.000 tỷ đồng; từ nguồn thu xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng thì tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 là 341.750 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi ngân sách.

Xây dựng thận trọng phương án vay trả nợ

Bên cạnh vấn đề thu – chi NSNN, thì vấn đề nợ công cũng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 6,5% - 7%/năm, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến.

Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Theo định hướng kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011- 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016- 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011- 2015.

Để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, chính sách về thu, chi NSNN, cụ thể:

Đối với thu NSNN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN; hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.

Đối với chi NSNN, đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính- NSNN trung hạn. Bố trí cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương.

Với mức bội chi NSNN dự kiến như trên, nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Để tăng cường quản lý nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-2-2015, trong đó đề cập nhiều nội dung cụ thể về giải pháp thực hiện.

Liên quan đến việc một số xã tiếp tục thu các khoản phí sai quy định tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: Nếu liên quan đến các khoản thu về phí, lệ phí, các khoản đóng góp của người dân sai quy định thì trước hết đây là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới.

Trước hết là huyện có trách nhiệm, sau đó là đến tỉnh, thành phố, cụ thể ở đây là Hà Tĩnh, sẽ phải có trách nhiệm rà soát lại xem các khoản thu đó có đúng với quy định của pháp luật về phí, lệ phí hay không, nếu không đúng quy định thì phải dừng thu và chấm dứt việc thu này.

Đối với Bộ Tài chính, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về thu ngân sách, về các khoản thu, sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thu phí trên phạm vi cả nước.

Hằng năm, Bộ Tài chính có xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phí ở một số địa phương trong cả nước cũng như một số bộ, ngành.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính cũng có thể thanh tra nhưng trước hết đây là trách nhiệm của chính quyền trên địa bàn, và có thông tin lên các cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính./.