Thủ tục kiểm tra chuyên ngành chủ yếu bằng thủ công
Điện tử hóa các thủ tục hành chính là xu hướng tất yếu nhằm cắt giảm thời gian thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành bằng phương thức thủ công là chủ yếu, chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro.
Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ giao các bộ, ngành phải đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.
Tức là thực hiện đánh giá mức độ rủi ro theo các lô hàng cụ thể để kiểm tra thay vì dàn trải nguồn lực kiểm tra như hiện nay (tất cả các lô hàng thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) về bằng các phương thức vận tải, tại tất cả các cửa khẩu thì đều thực hiện việc KTCN 100% cho dù hiệu quả đạt được cao hay thấp).
Tuy nhiên, hiện tại các bộ, ngành vẫn chưa có bước chuyển áp dụng cách thức áp dụng quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan đến lĩnh vực KTCN thực hiện bằng phương thức điện tử còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu làm thủ công.
Hiện nay, mới có một số thủ tục liên quan đến KTCN bước đầu thực hiện bằng phương thức điện tử ở một số bộ ngành. Chẳng hạn Bộ Giao thông vận tải đã chính thức triển khai thực hiện một số nhóm thủ tục như: Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (NK), động cơ NK sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.
Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật xe đạp điện NK; giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe trở người bốn bánh có gắn động cơ hoạt động trong phạm vi hạn chế NK; cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường cho xe cơ giới NK và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe máy chuyên dùng NK.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai được một số bước trong quy trình thủ tục như: Thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận chất lượng thức ăn thủy sản NK; đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi NK; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật NK, quá cảnh và vận chuyển nội địa (mới đang triển khai ở trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài); cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho sản phẩm động vật xuất khẩu (XK) (đang triển khai ở một số địa điểm)…
Bộ Y tế đã thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu NK của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thực phẩm NK.
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, một trong các giải pháp để giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhằm rút ngắn thời gian thông quan là các bộ, ngành phải đổi căn bản phương thức quản lý, áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin, đánh giá rủi ro); đồng thời đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Công thông tin một cửa quốc gia. Đây cũng là nhiệm vụ mà các bộ, ngành sẽ phải triển khai để thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.