Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn
Chiều 23/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế và nắm những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi. Do vậy, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng trong quý IV/2020. Thủ tướng quán triệt tinh thần không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; bảo đảm sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản lượng nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, cả trái cây và thủy sản tại ĐBSCL, khu vực sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70% cả nước.
Về các biện pháp trước mắt, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô để người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Cần phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, “tự lo cho mình trước”. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất (đẩy sớm thời vụ), chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô. Không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt, không để người dân phải dùng nước không bảo đảm vệ sinh… “Không để tình trạng người dân thức cả đêm để lấy một xô nước, can nước”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương hoàn thành một số công trình lớn với diện tích kiểm soát mặn trực tiếp đến gần 700.000 ha và 3,6 triệu dân được hưởng lợi. Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn, trữ nước, cấp nước sinh hoạt. Bộ NN&PTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương trong vùng không được phép chủ quan, cần theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó khi có lũ theo cấp báo động, phải đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.