Thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam 

Cảnh Hoàng - Nhan Kim

Ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng đã chú trọng thúc đẩy hoạt động này phát triển và đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, yêu cầu mới đặt ra cần tiếp tục có những giải pháp mới

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ như sau:

Phát triển đổi mới sáng tạo cần phải có các giải pháp đồng bộ xét ở khía cạnh cung và cầu. Trong đó, việc hình thành và phát triển đổi mới sáng tạo mở là hết sức quan trọng, thậm chí cơ chế đổi mới sáng tạo mở là nhân tố quyết định cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đổi mới và sáng tạo cần có một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người. Hệ sinh thái đổi mới mở, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp...

Trong đó, các trường đại học giữ vai trò trung tâm, kết nối thông qua các hoạt động: (i) Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có tiềm năng đổi mới sáng tạo; (ii) Đào tạo các thế hệ nghiên cứu mới, giàu tiềm năng và nhiệt huyết; (iii) Gắn kết giữa nhu cầu đổi mới sáng tạo và các sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp, luân chuyển nguồn nhân lực giữa các trường đại học với các công ty, doanh nghiệp. 

Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phải đáp ứng các yêu cầu: (i) Thay đổi các điều kiện chi phí của nền kinh tế; (ii) Khắc phục các rào cản chi phí ẩn/phụ của phân đoạn quốc tế; (iii) Quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Số hóa và chuyển đổi số; (v) yêu cầu tăng trưởng xanh và bền vững. 

Các địa phương và doanh nghiệp cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có. 

Cần có lộ trình để cải thiện các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế. Trong đó, Các chỉ số về thể chế, như chỉ số về môi trường kinh doanh, chỉ số tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh, chỉ số tạo thuận lợi trong giải quyết phá sản doanh nghiệp; Các chỉ số về nguồn nhân lực và nghiên cứu cần cải thiện như: tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập trong nước;

Các chỉ số về cơ sở hạ tầng cần cải thiện, đó là: sử dụng ICT, dịch vụ trực tuyến chính phủ và mức độ tham gia trực tuyến (online e-participation); Các chỉ số về trình độ kinh doanh, gồm quy mô phát triển cụm công nghiệp, chỉ số hợp tác đại học - doanh nghiệp…

Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo cần tập trung vào các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại….