Thúc đầy phát triển thị trường vốn ASEAN
Với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai các sáng kiến ASEAN về hội nhập thị trường vốn sau khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ngày 18/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo các sáng kiến phát triển thị trường vốn ASEAN hướng tới thúc đẩy hội nhập AEC tại Hà Nội.
Hội thảo với sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia cao cấp của cơ quan quản lý thị trường vốn các nước ASEAN trao đổi về một số sáng kiến nổi bật trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Diễn đàn Thị trường Vốn (ACMF) và việc triển khai các sáng kiến này trong thực tiễn.
Các sáng kiến ACMF được trình bày tại Hội thảo bao gồm: (i) Kế hoạch Hành động ACMF hướng tới hội nhập thị trường vốn khu vực 2020; (ii) Kết nối giao dịch ASEAN Trading Link, và (iii) Bộ Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN -ASEAN CG Scorecard.
Hội thảo là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho cơ quan quản lý thị trường vốn, đồng thời hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của thành viên thị trường đối với tiến trình hội nhập của ASEAN.
Đã có trên 1.000 công ty niêm yết trên thị trường vốn
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: Trong suốt 20 năm qua, đã có trên 1.000 công ty niêm yết trên thị trường vốn. UBCKNN đã nỗ lực đặt nền móng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập với quốc tế. Mức vốn hóa của Việt Nam so với một số nước chuyển đổi không phải là kém.
Có thể nhận định rằng, ngay từ những ngày đầu thành lập UBCKNN đã hướng tới phát triển theo những thông lệ chuẩn mực nhất. Thực tiễn tham gia hợp tác đã cho chúng tôi thấy được những cơ hội lợi ích và thách thức trong đó có cả thị trường vốn. Thị trường vốn các nước ASEAN quy mô còn khá nhỏ, tính thanh khoản còn thấp, vì vậy, việc áp dụng sáng kiến giữa các quốc gia Campuchia - Lào - Malaysia - Việt Nam sẽ góp phần thu hút nhà đầu tư, đưa thị trường vốn phát triển mang tính hợp nhất cao.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, ngoài sự tham gia hợp tác tích cực của các tổ chức tài chính để thu hẹp khoảng cách phát triển, các nước có sự phát triển thị trường vốn thấp hơn cần cố gắng nỗ lực hơn nữa.
Thống kê cho thấy, từ tháng 9/2012 -8/2016, khối lượng giao dịch qua kết nối ASEAN Trading Link đã đạt hơn 1 tỷ đơn vị. Tuy nhiên, các thị trường vốn ASEAN riêng lẻ là các thị trường quy mô nhỏ, phạm vi sản phẩm và dịch vụ hạn chế, tương đối thiếu thanh khoản, chi phí giao dịch cao và chênh lệch lớn giữa lợi suất đầu tư cổ phiếu so với lãi suất phi rủi ro, do khối lượng giao dịch bị phân lẻ.
Mục tiêu kết nối tốt hơn các thị trường vốn khu vực
Từ thực tiễn đó, giới chuyên gia đều cho rằng, các thị trường ASEAN cần hợp tác sánh ngang với các thị trường phát triển để thu hút nhà đầu tư và các tổ chức phát hành ASEAN xem xét lựa chọn các thị trường ASEAN.
Đồng tình với quan điểm này, ông Eric Sidwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng: Các quốc gia đã thể hiện những nỗ lực mạnh mẽ hướng tới phát triển thị trường vốn của khu vực. Với việc hình thành AEC vào 2015, các quốc gia đều mong muốn hội nhập mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có độ vênh trong sự phát triển giữa các quốc gia, trong đó Singapore và Thái Lan phát triển mạnh hơn. Do vậy, những quốc gia khác phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức này, cần phải thấy được tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực.
“Hội thảo các sáng kiến phát triển thị trường vốn ASEAN thúc đẩy hội nhập AEC cũng là cơ hội để các nước học hỏi, thúc đẩy lẫn nhau”, nhấn mạnh điều này, ông Eric Sidwick cho biết: Thời gian qua, ADB đã rất tích cực hỗ trợ sự phát triển thị trường vốn trong khu vực như chương trình hỗ trợ kỹ thuật, vốn...
ADB cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tiến trình này vì khu vực hài hòa hơn, thống nhất hơn với sự luân chuyển tự do của vốn và nhân lực. Qua đó, giúp giảm thiểu các chi phí giao dịch, tránh tính phi đối xứng trong thông tin, tạo môi trường đầu tư phù hợp qua đó thấy được những ý tưởng về phát triển thị trường vốn ASEAN với đầy đủ tính cấp thiết trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Với mục tiêu đó, Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN (ACMF) bao gồm các nhóm làm việc cấp cao các cơ quan quản lý chứng khoán ASEAN được thành lập với mục tiêu kết nối tốt hơn các thị trường vốn khu vực nhằm thúc đẩy dòng lưu chuyển vốn tự do hơn.
Chia sẻ thêm về Diễn đàn này, ông Eugene Wong, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp và đầu tư đồng thời là Chủ tịch hội nghị ACMF (Ủy ban chứng khoán Malaysia) cho biết: ACMF tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết của thị trường và các sản phẩm trọng tâm trong khu vực; quản trị công ty ASEAN và kết nối giao dịch.
Theo đó cho phép các công ty quản lý quỹ hoạt động tại một nước trong khu vực ASEAN được chào bán sản phẩm quỹ cho các nhà đầu tư cá nhân tại các nước khác trong khu vực theo một quy trình cấp phép hợp lý.
Bên cạnh đó, ACMF cũng đưa ra sự hỗ trợ và trao đổi thông tin lẫn nhau về các quỹ đầu tư tập thể dành cho cacs nhà đầu tư có tổ chức. Hiện tại, có 13 quỹ được công nhận trong đó có 5 quỹ đã chào bán thành công. Tham gia vào ACMF, các sở giao dịch ASEAN sẽ cộng tác thúc đẩy giao dịch cổ phiếu xuyên biên giới trong nội khối ASEAN...
Kế hoạch hành động của ACMF giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ kết nối thị trường vốn trong toàn khu vực. Các sáng kiến mới được giới thiệu ở giai đoạn này sẽ bao gồm chương trình phát triển thị trường, tài chính xanh, kế hoạch kết nối và đối thoại thị trường. Trong đó, chương trình phát triển thị trường của ACMF sẽ tập trung vào các nhu cầu phát triển của các thành viên nhằm đạt được sự tham gia bao quát hơn trong các sáng kiến...