Thúc đẩy vai trò tài chính công trong nền kinh tế thị trường

ThS. Phạm Thị Kim Thành

Tài chính công – một trong ba trụ cột của hệ thống quản trị quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thông qua cung cấp các hàng hóa công cộng, khắc phục các khiếm khuyết của thị trường, khuyến khích tiết kiệm đầu tư, nâng cao đời sống và giảm bất công bằng xã hội.

Tài chính công phục vụ việc thực hiện những chức năng vốn có của nhà nước đối với xã hội. Nguồn: Internet.
Tài chính công phục vụ việc thực hiện những chức năng vốn có của nhà nước đối với xã hội. Nguồn: Internet.

Vì vậy, chính sách tài chính công nói chung, hay chính sách thu – chi ngân sách nhà nước, cũng như cơ chế quản lý nói riêng luôn là mối quan tâm trong nghiên cứu cải cách kinh tế ở hầu hết các quốc gia, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Những kết quả bước đầu của cải cách tài chính công ở Việt Nam thời gian gần đây đang đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Một nền tài chính công lành mạnh sẽ bảo đảm an toàn tài chính quốc gia cũng như khai thác và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Tài chính công là một phạm trù gắn với các hoạt động thu và chi bằng tiền của nhà nước, phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của nhà nước nhằm phục vụ việc thực hiện những chức năng vốn có của nhà nước đối với xã hội (không vì mục tiêu thu lợi nhuận).

Nội dung của tài chính công bao gồm: Ngân sách nhà nước (NSNN) từ Trung ương đến địa phương; dự trữ nhà nước; tín dụng nhà nước; ngân hàng nhà nước; tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước; tài chính của các đơn vị sự nghiệp nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước. Trong đó, NSNN được xem là bộ phận quan trọng nhất, chi phối đến các thành tố khác…

Ở nước ta, việc đổi mới quản lý tài chính công được bắt đầu nghiên cứu từ giữa năm 1980. Cụ thể là quá trình cải cách kinh tế ở nước ta bắt đầu vào khoảng cuối năm 1986, khi hàng loạt chương trình đổi mới kinh tế được triển khai thực hiện. Kể từ đó đến nay, Chính phủ đã chủ trương thi hành một chính sách tài chính công lành mạnh nhằm đảm bảo phân phối các nguồn lực khan hiếm một cách hiệu quả, nhất là để theo đuổi các mục tiêu phát triển lành mạnh, công bằng, ổn định và bền vững.

Những năm gần đây, NSNN bước đầu được cơ cấu lại một cách mạnh mẽ theo hướng tích cực và hiệu quả hơn. Việc cải cách thuế và triển khai Luật NSNN đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Chi tiêu NSNN được cơ cấu lại theo hướng tiếp tục xóa bỏ bao cấp, tăng chi đầu tư phát triển, chi cho xóa đói giảm nghèo, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế… Thu hút thêm nguồn lực của dân thông qua việc xã hội hóa một số mặt hoạt động kinh tế, xã hội, nhờ đó nhiều nhu cầu chi đã được đáp ứng tốt hơn. Bội chi NSNN cũng đã được kiểm soát ở mức hợp lý.

Nhờ đó, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Tăng trưởng kinh tế liên tục đạt ở mức khá, lạm phát ở mức thấp, tỷ trọng xuất khẩu cao. Việc tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do, hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng trở thành nền tảng quan trọng để Việt Nam tham gia sân chơi chung toàn cầu.

Quan hệ đối tác giữa Bộ Tài chính và các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác phát triển trong lĩnh vực cải cách quản lý tài chính công ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đổi mới trên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, sự phục hồi chậm của kinh tế trong khu vực cũng như thế giới, giá dầu ở mức thấp, hạn hán thiên tai kéo dài… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế.

Bên cạnh quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế được kỳ vọng mang lại kết quả trong dài hạn, thì thực tế trong ngắn hạn lại phát sinh một số ảnh hưởng, gia tăng bội chi ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công; cam kết hội nhập làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách...

Hiện nay, tỷ trọng chi đầu tư công ở Việt Nam đang có xu hướng giảm dần theo sự dịch chuyển trong cơ cấu đầu tư công giữa Trung ương và địa phương, do mức độ phân cấp ngày càng tăng. Việc đầu tư của Trung ương giảm sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án mục tiêu quan trọng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh sự phối hợp vùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư của địa phương cao có thể dẫn đến đầu tư dàn trải và giảm hiệu suất đầu tư.

Vấn đề quan tâm nhất của Việt Nam hiện nay là phải cơ cấu lại ngân sách nhằm động viên hợp lý nguồn lực, đảm bảo hợp lý chi thường xuyên, trả nợ, tăng cường quản lý nợ công, giảm mức bội chi trong giai đoạn 2016-2020, từ đó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả chi tiêu công cần cải thiện năng lực phối hợp vùng; tập trung nâng cao hiệu suất và sắp xếp lại nguồn lực trong lĩnh vực tài chính; gắn kết tốt hơn giữa chi sự nghiệp với chi đầu tư, đặc biệt trong giao thông và nông nghiệp để kéo dài vòng đời đầu tư. Cụ thể, cần nghiên cứu cơ chế để các địa phương nghèo nâng cao khả năng huy động thu và giảm phụ thuộc vào số bổ sung từ ngân sách trung ương thông qua cơ chế phân chia nguồn thu công bằng, minh bạch.

Khuyến nghị của giới chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách, cần đảm bảo nhất quán từ khâu dự toán đến quyết toán cho cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư; hợp nhất dữ liệu kế toán của các đơn vị khu vực công trong báo cáo tài chính hợp nhất của Chính phủ, để tạo ra bức tranh toàn diện về hoạt động của khu vực công.

Theo đó, cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm giải trình và báo cáo theo hiệu quả hoạt động; từng bước triển khai lập ngân sách theo đầu ra tại các cơ quan, đơn vị phù hợp.

Tuy nhiên, cải cách phải phù hợp với yêu cầu mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đòi hỏi đặt ra với Việt Nam phải có những cải cách về mặt hành chính, trong đó có cải cách tài chính công sao cho phù hợp với những quy định và cam kết quốc tế, bảo đảm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của nền kinh tế. Vì vậy, mục tiêu cải cách tài chính công trong thời gian tới cũng cần quan tâm tới những nội dung sau:

Thứ nhất, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả các khoản chi tài chính của khu vực công. Các khoản chi tài chính của khu vực công đa phần là do NSNN đảm nhận, có đặc điểm không hoàn trả trực tiếp, không có tính chất ngang giá, lại có phạm vi rộng, khối lượng chi lớn.

Thực tế của các nước cho thấy, các khoản chi này hiệu quả thấp, lãng phí còn lớn. Do đó, cần coi trọng và thực hiện bằng được mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả các khoản chi của khu vực công trong quá trình cải cách, đổi mới tài chính công.

Thứ hai, cải cách, đổi mới tài chính công phải hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính nhà nước, bảo đảm cho bộ máy hành chính hoạt động tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, điều hành có hiệu quả hơn hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.

Hoạt động của tài chính công không chỉ có tác dụng cung cấp nguồn lực tài chính cho bộ máy công quyền hoạt động, mà điều quan trọng là phải thông qua hoạt động tài chính công để có tác động mạnh mẽ đến việc điều chỉnh tổ chức và tính hiệu quả của hoạt động bộ máy. Vì vậy, gắn việc cải cách đổi mới tài chính công với bộ máy trong sạch vững mạnh được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách, đổi mới tài chính công.

Thứ ba, thông qua cải cách, đổi mới hoạt động tài chính công phải bảo đảm cho việc sản xuất và cung cấp hàng hóa dịch vụ công cộng công bằng và hiệu quả hơn. Hầu hết việc sản xuất và cung cấp hàng hóa dịch vụ công cộng đều do bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương đảm nhận.

Nếu bộ máy công quyền thiếu trung thực, không minh bạch, nạn tham nhũng diễn ra tràn lan, thì việc sản xuất và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng khó đạt được yêu cầu công bằng và hiệu quả. Do đó, vấn đề đặt ra là việc cải cách, đổi mới hoạt động tài chính công phải hướng vào mục tiêu bảo đảm công bằng và hiệu quả.

Thứ tư, đối với thu – chi NSNN nội dung đổi mới bao gồm đổi mới chính sách, cơ chế, quy trình làm thay đổi căn bản cách thức thu – chi NSNN, bảo đảm NSNN thực sự là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

Thứ năm, đối với tài chính của các cơ quan công quyền và các đơn vị sự nghiệp công lập, nội dung đổi mới là tập trung nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn việc đổi mới với công cuộc cải cách hành chính và việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng công bằng và hiệu quả…

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Trần Văn Giao, Cải cách tài chính công ở Việt Nam hiện nay;

2. Cấn Quang Tuấn, Cải cách tài chính công: Thực trạng và giải pháp;

3. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2016-06-06/co-cau-lai-ngan-sach-de-dam-bao-an-toan-tai-chinh-quoc-gia-32329.aspx.