Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công


Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong năm 2022, Bộ Tài chính đưa ra nhiều chỉ tiêu và giải pháp nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Qua đó, góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động đầu tư công

Trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 ban hành theo Quyết định số 1697/QĐ-BTC ngày 23/8/2022, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện tiết kiệm từ việc lập, phê duyệt chủ trương đầu tư; chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

Việc bố trí vốn đầu tư công năm 2022 bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu tại Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng thứ tự ưu tiên quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ vốn các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.

Việc tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư công được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.

Đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị, các chủ đầu tư thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 99/NĐ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2022 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 572/VPCP-KTTH ngày 21/01/2022 và các văn bản của Bộ Tài chính về chỉ đạo, hướng dẫn trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 và các nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công.

Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước để góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư.

Cùng với đó, tập trung triển khai những công trình, dự án thực sự cần thiết, cấp bách phải đầu tư đã đủ hồ sơ thủ tục, đủ điều kiện và khả năng cân đối bố trí vốn để thực hiện đầu tư dự án; bảo đảm 100% các dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian thực hiện và bố trí kế hoạch vốn.

Thực hiện bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên bố trí vốn thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2022; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Bộ Tài chính giao các đơn vị, các chủ đầu tư thuộc Bộ phải chuẩn bị tốt, lựa chọn dự án đã bảo đảm về thủ tục đầu tư xây dựng để khi dự án được giao kế hoạch vốn có thể triển khai ngay, khắc phục ngay tình trạng dự án được giao kế hoạch vốn nhưng không triển khai được trong khi một số dự án có nhu cầu thì không được bố trí kế hoạch vốn. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công; hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các giải pháp thiết kế, thi công áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tăng cường đấu thầu rộng rãi, đấu thầu qua mạng, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư và bảo đảm công khai, minh bạch trong trong đấu thầu. Tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các dự án sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, chống lãng phí, thất thoát. Dự án, công trình triển khai không đúng tiến độ phải kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cho những dự án, công trình có tiến độ triển khai nhanh còn thiếu vốn. Tập trung bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án thực sự cấp bách; khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, không bố trí vốn cho các công trình, dự án không đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả. Bố trí dự toán chi NSNN từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và trong phạm vi hạn mức vốn nước ngoài trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong nợ công để phục vụ công tác quản lý.

Thủ trưởng đơn vị các cấp, Chủ đầu tư các dự án được giao chủ động thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các đơn vị thuộc phạm quản lý; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các vướng mắc, khó khăn, phát sinh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công theo thẩm quyền hoặc báo cáo về Bộ Tài chính (qua Cục Kế hoạch - Tài chính) để xem xét, giải quyết.

“Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí. Thủ trưởng các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo Bộ Tài chính về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị, hệ thống”, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Bộ Tài chính nêu rõ.

PV.