Thực phẩm chức năng giả tràn lan do dân Việt sính ngoại

Theo dantri.com.vn

Về nguyên nhân khiến thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn tới thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều là do siêu lợi nhuận và bản thân người dân Việt “sính” hàng ngoại.

Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm về thực phẩm chức năng, thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỉ đồng. Nguồn: internet
Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm về thực phẩm chức năng, thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỉ đồng. Nguồn: internet

Thực phẩm của người giàu

Trong vài năm trở lại đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chức năng đang có chiều hướng gia tăng do người tiêu dùng tin tưởng quá mức vào những lời đồn thổi, coi thực phẩm chức năng như thần dược có thể trị bách bệnh. Tuy nhiên, đây là loại sản phẩm được mệnh danh dành cho người giàu bởi giá thành tương đối cao.

Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Thực phẩm chức năng dưới góc nhìn chống hàng giả”, ông Nguyễn Xuân Hoàng Chủ tịch HĐTV Công ty Dược phẩm IMC cho rằng, nguyên nhân khiến thực phẩm chức năng có giá cao trên thị trường là do khâu chế biến phải được chọn lựa nguyên liệu tự nhiên và sử dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, do yếu tố chăm sóc sức khoẻ nên thực phẩm chức năng nhằm phòng và hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng do đó thường là người có thu nhập cao, bình dân đến trung lưu mới có nhu cầu sử dụng và được các công ty nhắm đến, định giá cao.

Vị đại diện doanh nghiệp này cũng cho hay, do loại sản phẩm này nhắm tới các đối tượng là người có thu nhập tương đối cao, bình dân đến trung lưu nên các công ty nhắm vào phân khúc này và định giá cao hơn để thu hút khách hàng.

"Mỹ phẩm rẻ người ta không ai tin chất lượng của nó, thực phẩm chức năng cũng vậy đó là lý do các doanh nghiệp không bao giờ hạ giá, không bán thấp. Thực phẩm chức năng đang tuân theo giá thị trường, không phải mặt hàng thiết yếu nên nhà nước không thể quản lý như đối với thuốc", ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, thực phẩm chức năng là sản phẩm có nhu cầu lớn từ thị trường. “Nhiều người không hiểu đầy đủ về thực phẩm chức năng. Sắp tới cần phải có chiến dịch đẩy mạnh hơn nữa thông tin truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh và không thể thay thế được thuốc chữa bệnh”, ông nói.

Tràn lan hàng giả do siêu lợi nhuận và “sính ngoại”

Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm về thực phẩm chức năng, thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỉ đồng. Đặc biệt trong một số vụ, lượng hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện lên đến con số hàng chục tấn.

Về nguyên nhân khiến thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn tới thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều là do siêu lợi nhuận và bản thân người dân Việt “sính” hàng ngoại.

“Sản xuất hàng giả mang lại lợi nhuận khủng khiếp nên các đối tượng không từ âm mưu, thủ đoạn nào. Việt Nam có biên giới dài rộng, đường vào nhiều, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Đối với nhóm sản phẩm có giá trị cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như thực phẩm chức năng luôn là đối tượng được nhắm tới để tung ra thị trường”, ông Tín nói.

Ông Tín cũng thừa nhận một nguyên nhân quan trọng khác đến từ công tác quản lý thị trường. Các lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể, Ban chỉ đạo 389 địa phương đã vào cuộc nhưng chưa quyết liệt và còn thiếu sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp: thanh niên, phụ nữ, UBND xã, thôn… Bên cạnh đó, cũng chưa có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả.

Một trong những nguồn hàng bị trà trộn nhiều thực phẩm chức năng giả là hàng xách tay từ các nước về Việt Nam. Đối với mặt hàng này, Cục trưởng Cục quản lý an toàn thực phẩm khẳng định, hàng xách tay không được phép bán ra thị trường. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không mua sản phẩm xách tay, đặc biệt là thực phẩm chức năng để tránh bị thiệt hại cũng như tiếp tay cho hành vi bất hợp pháp.

Về mặt giải pháp, đại diện Bộ Y tế cho rằng: “Ngoài việc cơ quan chức năng phải tăng cường thanh kiểm tra, chính doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần bảo vệ mình. Người bán hàng phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng cho mình xuất hoá đơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Người mua hàng cũng phải lấy hoá đơn để sau này còn truy cứu”.