Thực tế ảo trong marketing du lịch ở Vệt Nam
Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành Du lịch tổn thất nặng nề, nhưng cũng thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, xu hướng du lịch ảo với ứng dụng công nghệ thực tế ảo trở thành một trong những công cụ marketing hiệu quả cho các sản phẩm du lịch. Thiết kế trải nghiệm ảo trong không gian 3D cho phép du khách trải nghiệm và tương tác ở điểm đến ảo một cách sinh động và kích thích mong muốn trải nghiệm điểm đến thực của du khách tiềm năng. Qua đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp, Bài viết này đưa ra lý thuyết khái quát về công nghệ thực tế ảo, vai trò của công nghệ thực tế ảo trong marketing du lịch và hiện trạng áp dụng công nghệ thực tế ảo ở các doanh nghiệp và điểm đến du lịch tại Việt Nam.
Giới thiệu
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và thói quen du lịch của người dân các nước. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, một trong những loại hình được du khách ưa thích và trở thành một dòng sản phẩm mới đáng để các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch (DNDL) đầu tư nhằm duy trì và phục hồi đó là du lịch ảo.
Loại hình này ứng dụng công nghệ thực tế ảo (Vitual Reality Technology) cho phép du khách trải nghiệm điểm đến một cách sinh động trong không gian 3D. Đây là cơ hội để các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch (DNDL) cải tổ và cơ cấu lại tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cải thiện môi trường điểm đến hoặc mở rộng danh mục sản phẩm. Đặc biệt, khi công nghệ số ngày càng phát triển nhanh chóng, các DNDL phải thích nghi với sự thay đổi nhu cầu và thị hiếu của du khách. Theo đó, các DNDL cần quan tâm đến marketing số để duy trì và phát triển hoạt động du lịch.
Khái quát về thực tế ảo
Trong nghiên cứu về thực tế ảo trên thế giới có 2 thuật ngữ thường được các nhà khoa học sử dụng đó là môi trường ảo (Virtual Environement) và thế giới ảo (Virtual World). Nhóm sử dụng thuật ngữ thứ nhất gồm có Guttentag - miêu tả trải nghiệm thực tế ảo (VR) là người dùng đắm chìm vào một môi trường ảo và Singh và Lee nghiên cứu về sử dụng môi trường ảo trong giáo dục du lịch (Singh và Lee, 2008). Trong đó, Guttentag cho rằng, các nhà nghiên cứu và chuyên gia du lịch cần chú ý hơn đến thực tế ảo bởi nó cung cấp cho ngành du lịch nhiều ứng dụng hữu ích trong sáu lĩnh vực: lập kế hoạch và quản lý, marketing, giải trí, giáo dục, khả năng tiếp cận và bảo tồn di sản (Guttentag, 2010).
Tiêu biểu cho nhóm sử dụng thuật ngữ thế giới ảo, Penford đã miêu tả thế giới ảo như một môi trường ảo, mở 24/7, cho phép người dùng sử dụng hình đại diện (hình cá nhân dạng 3D) để sáng tạo, chơi và tương tác trong thời gian thực (Penfold, 2008). Tác giả Huang và cộng sự khẳng định, hiện nay một trong các nền tảng thế giới ảo hoạt động sôi nổi nhất là Second Life - thế giới ảo dựa trên nền tảng internet nơi người dùng giao lưu, kết nối và tạo ra không gian ảo của riêng họ (Huang và cộng sự, 2010). Nghiên cứu trường hợp Second Life, nhà nghiên cứu Hsu khẳng định: Thế giới ảo dựa trên mô phỏng 3D như Second Life được ứng dụng trong các cơ sở giáo dục trên thế giới và trong nghiên cứu này ông đã chỉ ra lợi ích của Second Life trong đào tạo kiến thức, kĩ năng giao tiếp của người học.
Vai trò của thực tế ảo đối với marketing du lịch
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định thực tế ảo (VR) ngày càng trở thành một công cụ tiếp thị hiệu quả với người tiêu dùng trong du lịch. Tác giả Cheong coi VR như một công cụ marketing của các hãng lữ hành khi cho phép du khách trải nghiệm các hoạt động và bầu không khí ở điểm tham quan ảo và cả cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại đó, điều này lưu lại hình ảnh trong tâm trí khách hàng và tạo ra mong muốn ghé thăm điểm đến thực trong tương lai (Cheong, 1995).
Đồng quan điểm trên, Hobson và A.P.William khẳng định VR có thể “cách mạng hóa” lĩnh vực xúc tiến và bán tour du lịch bởi các công ty và đại lý lữ hành có thể cung cấp những hình ảnh mô phỏng chân thực và sống động về điểm đến. Qua đó, giúp khách hàng tiềm năng có trải nghiệm kế hoạch du lịch trong tương lai của họ trong thực tế ảo bằng đồ họa máy tính, hình ảnh sống động trong không gian ba chiều và âm thanh. Du khách đeo màn hình gắn trên đầu và so sánh các điểm đến bằng cách tham gia một chuyến tham quan, đi bộ qua các khu chợ hoặc có thể tham quan nhiều điểm đến cùng lúc (Williams và Hobson, 1995)...
Yung và cộng sự cũng đã đưa ra một mô hình khái niệm về những thách thức đối với việc áp dụng VR trong du lịch với khung lý thuyết TAM (Technology Acceptance Model - Mô hình chấp nhận công nghệ) như Hình 1.
Ứng dụng thực tế ảo trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thực tế ảo bước đầu đã có một số thành tựu với một số ứng dụng nổi bật của các đơn vị nghiên cứu, DN công nghệ trong y tế, đào tạo còn trong lĩnh vực du lịch thì còn rất hạn chế. Lý do là bởi, các điểm tham quan du lịch được số hóa, ứng dụng công nghệ thực tế ảo chưa nhiều. Trước hết, về hệ thống bảo tàng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập, gần đây, các bảo tàng tại Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi công nghệ để thu hút công chúng, nhất là giới trẻ. Chẳng hạn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là đơn vị tiên phong xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D để tăng tính trải nghiệm, tương tác cho bảo tàng thực… từ năm 2013. Hiện nay, khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (http://baotanglichsu.vn), khách tham quan sẽ thấy hiện lên nội dung “Tham quan 3D”. Tại đây, bảo tàng đã xây dựng 4 nội dung tham quan trưng bày thường xuyên là Việt Nam thời tiền sử, Văn hóa Ðông Sơn, Triều Ngô - Ðinh - Tiền Lê - Lý - Trần và Óc Eo - Phù Nam và 3 nội dung trưng bày chuyên đề: Linh vật Việt Nam, Di sản văn hóa Phật giáo và Đèn cổ Việt Nam. Ngoài tiếng Việt, website bảo tàng này còn sử dụng 2 ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp để có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách nước ngoài hơn.
Ngoài ra, bảo tàng Hồ Chí Minh (http://baotanghochiminh.vn) cũng đã xây dựng tour tham quan ảo toàn thể bảo tàng với giao diện có 3 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, tiếng Trung. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (http://vnfam.vn) với giao diện tiếng Việt và tiếng Anh không chỉ có tour tham quan 3D mà còn có các hoạt động trưng bày, trải nghiệm thực tế ảo với sự phối hợp của các tổ chức khác như trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2020 trong vòng 1 tuần.
Hay sản phẩm bảo tàng ảo “Biển đảo Việt Nam” được Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông giao cho Viện công nghệ thông tin và truyền thông (CDIT) triển khai xây dựng từ năm 2014 nhằm số hóa các tư liệu của triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” từ năm 2013 đến 2016, được hiệu chỉnh, nâng cấp thành Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Qua 4 cuộc triển lãm tại Hà Nam, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bắc Cạn trong quý IV/2016, số lượng truy cập vào phần mềm sản phẩm Triển lãm số về Trường Sa, Hoàng Sa sử dụng công nghệ thực tại ảo VR3D đã đạt hơn 20.000 lượt.
Với các khu du lịch quốc gia thì hiện nay mới chỉ có Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã xây dựng được hơn 10 chương trình du lịch ảo và thử nghiệm quảng bá trên website cũng như tại các sự kiện du lịch.
Như vậy, các điểm tham quan có ứng dụng công nghệ thực tế ảo ở Việt Nam chưa nhiều và chỉ mới nhằm mục đích tiếp cận công chúng hoặc tuyên truyền chứ chưa nhằm quảng bá, tiếp cận, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trên thực tế, trong các điểm tham quan ở Việt Nam có trải nghiệm thực tế ảo hiện nay, chỉ mới có hang Sơn Đoòng được truyền thông và du khách quốc tế chú ý và tạp chí Guardian của Anh bầu chọn là một trong mười chuyến tham quan ảo đẹp nhất đến các kỳ quan thiên nhiên thế giới. Sơn Đoòng 360 là dự án được thực hiện bởi National Geographic nhằm bảo tồn hang động lớn nhất thế giới này dưới dạng kỹ thuật số trước khi điểm đến được khai thác phát triển du lịch. Tour du lịch ảo dưới dạng một chuyến đi bộ được thiết kế với các hình ảnh 3600 và hiệu ứng âm thanh trong không khí và đi xuyên qua các hang động đầy ánh sáng, thạch nhũ khổng lồ và những khu rừng sâu thẳm. Với hình ảnh chân thực và độ nét cao, du khách cũng có thể phóng to các chi tiết địa chất hang động và hệ động vật, thực vật.
Mặt khác, các DNDL, lữ hành Việt Nam đầu tư công nghệ thực tế ảo để marketing cho các chương trình du lịch cũng rất hiếm, hiện mới có VietTravel tiên phong công bố đầu tư công nghệ thực tế ảo VR360 với 55 video 3600 được mua bản quyền của các điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Năm 2021, doanh nghiệp này đã triển khai một số điểm dịch vụ du lịch ảo sử dụng công nghệ VR 360 tại Trụ sở chính Vietravel, Hà Nội và Đà Nẵng, sau đó nhân rộng ra hệ thống Vietravel trên toàn quốc nhằm thu hút thêm nhiều du khách yêu thích những trải nghiệm du lịch mới lạ. Còn Saigontourist có thử triển khai du lịch thực tế ảo nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn nên doanh nghiệp đã tạm ngưng khai thác mảng này.
Nghiên cứu này cung cấp tổng quan về nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong du lịch và khẳng định vai trò quan trọng của VR trong marketing du lịch theo đánh giá của các chuyên gia được công bố trên các tạp chí du lịch chuyên ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, ngành du lịch toàn thế giới càng nỗ lực chuyển đổi số bởi công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách lấy lại sự tự tin khi đi du lịch trở lại sau dịch bệnh. Khảo sát do Censuswide thực hiện năm 2020 cho thấy 4/5 du khách khẳng định công nghệ sẽ làm tăng sự tự tin của họ khi đi du lịch trong 12 tháng tới. Và công nghệ thực tế ảo đã cung cấp cho du khách các trải nghiệm ảo sống động và kết nối những du khách đang mong muốn được thoát khỏi thực tại với những người cung cấp trải nghiệm, từ đó kích thích mong muốn hiện thực hóa trải nghiệm, gia tăng cảm xúc tích cực với điểm đến và thúc đẩy quyết định tham quan điểm đến thực. Nhờ thiết kế các trải nghiệm ảo này, DNDL có thể vừa thu hút du khách tiềm năng vừa quảng bá và tiếp thị sản phẩm du lịch một cách trực tiếp nhất.
Đồng thời, tác giả đã thống kê sơ bộ tình hình ứng dụng công nghệ thực tế ảo ở một số DN kinh doanh và điểm đến du lịch Việt Nam và nhận thấy ứng dụng thực tế ảo trong marketing du lịch ở các doanh nghiệp du lịch và cả các điểm đến ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phổ biến. Nguyên nhân của việc chậm chuyển đổi số hay rào cản các DN và điểm đến du lịch Việt Nam ứng dụng thực tế ảo trong marketing du lịch sẽ là một hướng nghiên cứu mở rộng trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
- Cheong, R. (1995). The virtual threat to travel and tourism. Tourism Management, 16(6), 417–422. https://doi.org/10.1016/0261-5177(95)00049-T;
- Guttentag, D. A. (2010). Virtual reality: Applications and implications for tourism;
- Tourism Management, 31(5), 637–651. https://doi.org/10.1016/j.tourman.2009.07.003;
- Hsu, L. (2012). Web 3D simulation-based application in tourism education: A case study with Second Life. Journal of Hospitality, Leisure, Sport and Tourism Education, 11(2), 113–124. https://doi.org/10.1016/j.jhlste.2012.02.013.