Thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Trong những năm qua, công tác đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh, sinh viên đạt nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, thẻ BHYT đã phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh chính đáng của học sinh, sinh viên, từ đó giúp các em học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật có cơ hội được khám chữa bệnh để sớm quay trở lại trường học. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên trên thực tế trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Trong những năm qua, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trong đó, chính sách BHYT cho các đối tượng học sinh, sinh viên là chính sách quan trọng, hữu hiệu.
Cũng như các nhóm đối tượng khác, học sinh, sinh viên tham gia BHYT được tạo điều kiện thuận lợi để đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Điểm nhấn quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện chích sách này cho thấy, BHYT học sinh, sinh viên ngày càng khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả thiết thực với sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ, cũng như đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Điều này được thể hiện rõ từ kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên qua các năm học, tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên không ngừng tăng lên.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu như năm học 2018 - 2019, cả nước có khoảng hơn 17,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 94,2%) thì đến năm học 2019 - 2020, cả nước có hơn 17,7 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 95,2%), tăng 1% so với năm học 2018 - 2019.
Năm học 2020 - 2021, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT là hơn 18 triệu em, tăng 1,6% so với năm học 2019 - 2020.
Trong đó, có hơn 14,5 triệu tham gia theo nhóm học sinh, sinh viên và 3,5 triệu học sinh, sinh viên tham gia theo nhóm khác (như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...). Nhiều địa phương số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao như: Hà Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nam, Tuyên Quang…
Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học trên khắp cả nước và sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng. Công tác phối hợp, tổng kết đánh giá, định hướng thực hiện ở từng địa phương qua các năm học được tổ chức bài bản, tạo nhận thức đúng đắn và thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Chính sách BHYT phát huy hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, cũng như với các em học sinh, sinh viên. Quỹ BHYT giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh, sinh viên trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích từ phần đóng BHYT của học sinh, sinh viên để lại cho nhà trường đã kịp thời hỗ trợ các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau (Trần Đình Liệu, 2020). Để tiếp tục tăng diện bao phủ BHYT đối với học sinh, sinh viên, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 30% mức phí đóng đối với học sinh, sinh viên khi tham gia đóng BHYT.
Theo quy định, mức phí BHYT học sinh, sinh viên được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành (4,5% x 1.490.000 đồng), tương đương với 67.050 đồng/tháng. Hiện tại, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức phí đóng. Do đó, mức phí thực đóng của học sinh, sinh viên là 44.935 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong cả nước đã hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Tùy vào tình hình ngân sách của mỗi địa phương mà có mức hỗ trợ thêm khác nhau từ 10 - 50% mức đóng.
Phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên hiện tại cũng được quy định rất linh hoạt, tránh gây áp lực kinh tế cho phụ huynh mỗi kỳ học. Theo đó, phụ huynh có thể đóng BHYT học sinh, sinh viên theo kỳ 3 tháng, hoặc 6 tháng hoặc đóng luôn 12 tháng.
Cùng với đó, tham gia BHYT, học sinh, sinh viên không chỉ được chi trả chi phí khám chữa bệnh trong quyền lợi được hưởng như các đối tượng khác, mà còn được hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học. Quỹ BHYT hàng năm đều phân bổ 5% số thu, phục vụ cho y tế trường học, chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng cho các em học sinh, sinh viên.
Bên cạnh kết quả đạt được, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT vẫn chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng (hiện còn khoảng 3-4% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT chủ yếu tập trung nhóm học sinh, sinh viên từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề), điều này khiến các em bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT.
Mặt khác, nếu không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, không có thẻ BHYT, gia đình của các em sẽ đối mặt với những khoản chi phí khám chữa bệnh lớn, ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình, cũng như quá trình khám chữa bệnh của các em học sinh, sinh viên...
Giải pháp tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như tăng diện bao phủ BHYT học sinh, sinh viên, thời tian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên từ 30% lên 50% từ ngân sách nhà nước để khuyến khích các phụ huynh đăng ký tham gia BHYT cho con em mình. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT theo hướng linh hoạt, chặt chẽ hơn.
Hai là, các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cũng như tăng tính hấp dẫn của chính sách để phụ huynh học sinh, sinh viên thấy rõ tính ưu việt mà chủ động tham gia.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về những lợi ích thiết thực của chính sách BHYT đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thông qua các báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh với nhiều nội dung, hình thức. Qua đó giúp nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh, sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên.
Tuyên truyền tập trung vào những tháng đầu năm học mới và coi đây là những tháng cao điểm truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên; nhấn mạnh thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi học sinh, sinh viên mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.
Chú trọng tuyên truyền vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT của nhóm học sinh, sinh viên; những trường hợp học sinh, sinh viên được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lớn; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; những quy định mới liên quan đến BHYT học sinh, sinh viên. Để nâng cao hiệu quả truyền thông cần sự phối hợp, tham gia tích cực từ Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và cán bộ chuyên trách BHYT tại các trường học.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHYT học sinh, sinh viên tại địa phương.
Năm là, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Tựu chung lại, việc thực hiện tốt chính sách BHYT và bảo đảm quyền lợi BHYT cho đối tượng thụ hưởng sẽ góp phần từng bước xây dựng niềm tin từ chính các em học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh, là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
*Theo ThS. Mai Thị Mến - Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2022.