Thực tiễn triển khai cơ chế tự chủ tài chính ở một số trường đại học tại châu Á
Tại châu Á, vấn đề tự chủ đại học về tài chính được thực hiện khá sớm, trong đó, một số quốc gia đã triển khai thành công chính sách này như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Bài viết này đánh giá, phân tích thực tiễn triển khai chính sách tự chủ tài chính ở một số trường đại học của các nước, từ đó, rút ra kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Đặt vấn đề
Tự chủ đại học bao gồm tự chủ về nhân sự, tự chủ học thuật và tự chủ tài chính. Tự chủ đại học sẽ tạo động lực để các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của đơn vị, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục.
Yêu cầu về tự chủ xuất phát từ nhu cầu nâng cao khả năng đáp ứng của trường đại học với môi trường xã hội, kinh tế và thích ứng với bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0. Do đó, việc ban hành một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi và mang lại kết quả thiết thực.
Tại khu vực châu Á, vấn đề tự chủ đại học về tài chính được thực hiện khá sớm, trong đó, một số các quốc gia đã triển khai thành công chính sách này như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Kết quả thực hiện tự chủ đại học về tài chính ở các nước này sẽ là bài học kinh nghiệm cho GDĐH Việt Nam trong quá trình thực hiện chính sách tự chủ tài chính hiện nay.
Bài viết đánh giá, phân tích thực tiễn triển khai cơ chế tự chủ tài chính ở một số trường đại học khu vực châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính đối với giáo dục đại học.
Chính sách tự chủ tài chính tại một số trường đại học tại châu Á
Ở châu Á, một số quốc gia thực hiện cải cách, triển khai tự chủ tài chính ở một số trường đại học đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:
Tại Nhật Bản:
Nhật Bản là quốc gia có nhiều ý tưởng quan trọng trong phát triển cơ chế tự chủ đại học. Tự chủ về tài chính là điều kiện nhằm đảm bảo quyền độc lập, tự chủ của các tập đoàn đại học quốc gia ở Nhật Bản.
Hiện nay, nguồn kinh phí cho các trường đại học ở Nhật Bản chủ yếu gồm: Kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên; Kinh phí cạnh tranh dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của mỗi cá nhân; Nguồn trợ cấp cho sinh viên. Nhà nước sẽ cấp các khoản kinh phí này cho các trường đại học quốc gia (ĐHQG).
Bên cạnh đó, Nhật Bản áp dụng chính sách phân bổ ngân sách dựa trên sự cạnh tranh giữa các trường ĐHQG, đại học công lập (ĐHCL) và đại học tư thục thông qua các nguồn kinh phí tài trợ (các dự án). Các trường đại học cần phải đẩy mạnh cải cách, xây dựng các dự án để xin tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản. Sau khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ chấp thuận, các trường ĐHQG sẽ nhận được ngân sách (trợ cấp hoạt động) tương ứng với kế hoạch trung hạn. Do vậy, việc phân bổ ngân sách cho các trường ĐHCL của Nhật Bản dựa trên đề án thực hiện kế hoạch trung hạn và theo hình thức trợ cấp hoạt động, nghĩa là các trường có thể chủ động sử dụng nguồn trợ cấp (bao gồm cả tiền lương của nhân viên) theo kế hoạch được phê duyệt.
Tăng nguồn thu là một trong những điều kiện để đảm bảo tự chủ cho các trường ĐHQG. Học phí và lệ phí tuyển sinh hiện nay là nguồn thu nhập riêng của các trường ĐHQG. Ngoài ra, một số trường đại học còn tăng nguồn thu thông qua hoạt động hợp tác 3 bên giữa Chính phủ - trường học - doanh nghiệp (DN). Hầu hết các trường đại học đều đẩy mạnh hoặc tăng số lượng văn phòng cấp phép có liên quan đến công nghệ và các hoạt động hợp tác khác. Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của công cuộc cải cách GDĐH ở Nhật Bản là tập đoàn hóa các ĐHCL. Quá trình này được thực hiện với mục tiêu tăng cường tính độc lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các ĐHCL, áp dụng mô hình quản lý DN trong quản trị đại học.
Tại Trung Quốc:
Tự chủ đại học được xem là nội dung ưu tiên trong tiến trình cải cách GDĐH ở Trung Quốc. Nhờ tăng số lượng sinh viên và được chủ động trong việc tìm kiếm các đề tài nên các trường đã có thể chủ động tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động, tuy nhiên không vì thế mà đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước giảm xuống. Đến nay, ngân sách của Chính phủ Trung Quốc rót vào Đại học Sư phạm Hoa Đông vẫn chiếm khoảng một nửa chi phí hoạt động thường xuyên (khoảng 1.520 triệu NDT), trong đó tài trợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương lần lượt chiếm 32,1% và 18,6%. Còn lại, khoản thu khác của trường đến từ nhiều nguồn khác nhau: Học phí, đào tạo và các dự án tư vấn, các hợp đồng nghiên cứu.
Hiện nay, các trường đại học chỉ nhận được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đối với các hoạt động như: Cải thiện hoạt động của trường đại học, cải cách phương pháp giảng dạy và đào tạo, phát triển NCKH, thúc đẩy trường đạt đẳng cấp quốc tế, thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân, đẩy mạnh hoạt động quản trị nhà trường. Mức đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) vào các trường đại học là khác nhau. Các trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư nhận được kinh phí từ NSNN nhiều hơn nhóm trường còn lại. Các khoản đầu tư tập trung vào các phòng thí nghiệm và thúc đẩy trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế.
Nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm trả lương và thù lao đối với cán bộ, công nhân viên được trường tuyển dụng. Thu nhập của cán bộ, giảng viên trường đại học được xác định từ 2 nguồn: (i) Tiền lương cố định dựa trên học hàm, học vị, số năm công tác, cũng như vị trí quản lý; (ii) Tiền lương biến đổi phụ thuộc vào mức chi trả phúc lợi của nhà trường cho cán bộ giảng viên, bao gồm: Thưởng công bố NCKH, phụ cấp, vượt giờ.
Để thu hút vốn đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong điều kiện nguồn lực từ NSNN hạn chế, các trường đại học (công lập và tư thục) được chính quyền địa phương cho phép sử dụng đất làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng thương mại quốc doanh. Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương không chỉ đứng ra bảo lãnh vay vốn mà còn hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay cho đầu tư xây dựng trường đại học.
Tại Hàn Quốc:
Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển GDĐH (mặc dù nước này có nền giáo dục truyền thống bị kiểm soát chặt chẽ bởi Nhà nước). Năm 1995, Hàn Quốc chính thức cải cách hoàn toàn cơ chế quản lý xin - cho và trao quyền tự chủ cho các trường, trong đó, gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá chất lượng của trường đại học với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ. Có 2 cơ chế nổi bật trong cải cách GDĐH của Hàn Quốc nhằm đảm bảo trách nhiệm xã hội của các trường khi được giao toàn quyền tự chủ: (i) Đánh giá chất lượng giáo dục (bằng một cơ quan kiểm định độc lập) gắn với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ; (ii) Quy định rõ ràng việc thành lập hội đồng trường và điều lệ trường nhằm giám sát hoạt động của các trường.
Tại Singapore:
Năm 1999, để sẵn sàng đón đầu nền kinh tế tri thức, tích cực tham gia cạnh tranh giáo dục trên toàn cầu, đảm bảo ưu thế cạnh tranh giáo dục cho các trường ở Singapore, Chính phủ Singapore đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành và thu chi ngân sách GDĐH, đổi mới mạnh mẽ GDĐH. Ba trường đại học (gồm: Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Quản lý Singapore) xây dựng cương lĩnh tổ chức và quy định hoạt động; đăng ký tự chủ với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn phi lợi nhuận, hoạt động theo khung pháp lý đối với công ty.
Trong thực tế, tự chủ đại học hoàn toàn không phải là thương mại hóa, tự chủ đại học vẫn mang tính chất phi lợi nhuận, các trường đại học tự chủ của Singapore vẫn được Chính phủ tài trợ 75% kinh phí, đồng thời, các trường nhanh chóng chuyển đổi để đáp ứng với nhu cầu của thị trường, đồng thời huy động kinh phí từ các nguồn xã hội khác...
Hàm ý đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu thực tiễn triển khai chính sách tự chủ tài chính tại một số trường đại học khu vực châu Á, bài viết rút ra kinh nghiệm đối với Việt Nam như sau:
Một là, trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc xây dựng các kế hoạch hoạt động theo yêu cầu phát triển của xã hội, đào tạo đại học gắn liền với nhu cầu của thị trường. Các trường đại học cần được tự quyết định và chủ động về khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai; cân đối các nguồn tài chính thu, chi nhằm đảm bảo hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật và không vụ lợi.
Các trường đại học cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển cho các giai đoạn trung hạn và dài hạn, đảm bảo chuẩn đầu ra, đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. Các chương trình đào tạo của các trường cần được cải tiến phù hợp với các chương trình đào tạo tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, dần xóa bỏ khoảng cách trong các chương trình đào tạo (chương trình đào tạo hội nhập).
Hai là, xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư. Xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư bằng các phương thức thức khác nhau, kêu gọi đầu tư, hợp tác đầu tư, các dự án hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao kết quả NCKH và các nguồn vốn vay của các tổ chức. Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ các trường tự chủ tài chính, huy động kinh phí từ nhiều nguồn. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá xem chất lượng đào tạo của các trường sau khi tự chủ phù hợp chính sách của Nhà nước.
Ba là, đổi mới mô hình quản trị trong trường đại học. Các trường đại học cần đổi mới mô hình quản trị theo dạng tập đoàn hay DN, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, các trường đại học được vận hành theo bộ máy của một tập đoàn, công ty có chủ tịch và hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, có hệ thống các hội đồng quản lý, hội đồng giáo dục và nghiên cứu, bộ phận giúp việc, có sự phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn. Chủ tịch tập đoàn là người có quyền đưa ra các quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Cơ chế này đảm bảo việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, giảm các quyết định mang tính chất tập thể (giảm số lượng các cuộc họp quyết định các vấn đề theo đa số).
Bốn là, các trường đại học cần chủ động xây dựng lộ trình thực hiện tự chủ tài chính. Có kế hoạch để tăng nguồn thu từ hoạt động NCKH, chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu như: Thương mại hóa giáo trình, tài liệu, hợp tác với các cở sở đào tạo khác. Xây dựng lộ trình tăng học phí phù hợp, phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình lên kết đào tạo với nước ngoài để tăng mức thu học phí. Xây dựng kế hoạch, quản lý đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài chính; thực hiện việc trích lập các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ phúc lợi, quỹ khen thương… tối thiểu 25% trên tổng nguồn thu sự nghiệp của nhà trường.
Kết luận
Để đổi mới và phát triển GDĐH của Việt Nam theo xu hướng thế giới, thời gian tới cần phải tiến hành tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính. Việc nghiên cứu, lĩnh hội kinh nghiệm các nền giáo dục phát triển, để điều chỉnh quá trình tự chủ tài chính của các trường đại học là cần thiết. Tự chủ tài chính tại các trường đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm cao trong hoạt động, do đó, công tác quản lý tài chính phải minh bạch, rõ ràng, đảm bảo nguồn lực tài chính để ổn định phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở giáo dục đào tạo ĐHCL.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), “Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014”;
2. Lê Văn Hảo (2008), “Những xu thế chung của giáo dục đại học và các mô hình phát triển tài chính đại học”, Kỷ yếu Hội thảo “Giáo dục So sánh lần 2: Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” năm 2008;
3. Nguyễn Thiệu Tống (2001), “Tự chủ đại học bao gồm tự chủ tài chính”, Tham luận Hội thảo “Quản lý nhà nước và tự chủ tài chính trong các trường đại học” năm 2001;
4. Su Yan Pan (2009), “Tự chủ đại học, nhà nước và những thay đổi xã hội ở Trung Quốc”, Đại học Hồng Kông, năm 2009;
5. Jun OBA (RIHE, Hiroshima University), “Incorporation of National Universities in Japan and its Impact upon Institutional Governance”, accessed https://home.hiroshima-u.ac.jp/oba/docs/ incorporation 2006.pdf, tr.5.
* ThS. Nguyễn Thị Thu Phương - Học viện Cảnh sát Nhân dân.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12/2021.