Thực trạng kiểm toán công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước

Theo Xuân Hồng/baokiemtoannhanuoc.vn

Với định hướng phát triển công nghệ kiểm toán tiệm cận với quốc tế, phù hợp với cam kết của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), những năm vừa qua, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT) ở nhiều lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển kiểm toán hiện đại.

CNTT giúp việc phân tích thông tin, dữ liệu của KTV được nhanh chóng và chính xác hơn.
CNTT giúp việc phân tích thông tin, dữ liệu của KTV được nhanh chóng và chính xác hơn.

CNTT giúp việc phân tích thông tin, dữ liệu của kiểm toán viên (KTV) được nhanh chóng và chính xác hơn, tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán như: tập hợp được nhiều thông tin từ tổng hợp đến chi tiết liên quan đến các đầu mối kiểm toán, phân tích, khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, lưu trữ hồ sơ kiểm toán trong tất cả các giai đoạn của quy trình kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung, phạm vi, trọng tâm và trọng yếu kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Những kết quả đạt được

Ngay từ năm 2015, KTNN đã xây dựng một số phần mềm công cụ ứng dụng kiểm toán áp dụng tại các cuộc kiểm toán nhiều ngân hàng lớn như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), giúp KTV dễ dàng kiểm tra lại tính chính xác trong phân loại nợ tín dụng, xác định chi phí dự phòng rủi ro, loại bỏ rủi ro kiểm toán do sự can thiệp thủ công chỉnh sửa dữ liệu của các ngân hàng thương mại, thống nhất phương pháp và xử lý số liệu kiểm toán, áp dụng phần mềm CAATs để phân tích, xử lý dữ liệu lớn về nghiệp vụ và tài chính. Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính có lồng ghép kiểm toán CNTT của 3 đoàn kiểm toán ngân hàng thương mại đã có những phát hiện lớn, số liệu kiểm toán tăng đáng kể, tổng số kiến nghị xử lý tài chính tăng 59% so với giai đoạn trước đó.  

Năm 2016, cuộc kiểm toán CNTT độc lập đầu tiên liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 của Vietcombank đã có kết quả rất lớn khi kiến nghị xử lý tài chính 394 tỷ đồng chi dự phòng rủi ro, thu hồi số lãi tiền gửi khách hàng do công thức hệ thống phần mềm sai sót với số lũy kế lên tới 516 tỷ đồng. Kết quả này thay đổi cách thức kiểm toán báo cáo tài chính truyền thống không được hỗ trợ bởi kiểm toán CNTT. Với thành công bước đầu tại Vietcombank, KTNN tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và đẩy mạnh phát triển CNTT. 

Năm 2018, KTNN tiếp tục triển khai 2 cuộc kiểm toán hệ thống CNTT liên quan đến thu NSNN ở Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Thông qua kiểm toán, KTNN đã đánh giá toàn diện các rủi ro trong hoạt động quản lý thuế qua ứng dụng CNTT. Tại 2 cuộc kiểm toán này, lần đầu tiên KTNN tiếp cận dữ liệu khổng lồ về thu NSNN trên toàn quốc. Kết quả kiểm toán hệ thống kiểm soát dữ liệu các chu trình nghiệp vụ quản lý thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu, KTNN đã phát hiện nhiều sai sót trong quản lý thuế như: xử lý thu NSNN tại Tổng cục Thuế 37,8 tỷ đồng, thu hồi số tiền phạt thuế 371 tỷ đồng; tại Tổng cục Hải quan: thu hồi phạt chậm nộp thuế và xử lý sai luồng hàng hóa hải quan hơn 700 tỷ đồng và nhiều kiến nghị sửa đổi sai sót hệ thống quản lý thuế. 

Đối với cuộc kiểm toán NSNN địa phương và quyết toán NSNN, CNTT đã hỗ trợ xác định tính đúng đắn của báo cáo quyết toán, qua đó, KTNN đã chỉ ra hiện tượng vi phạm các quy định quyết toán chi tiết của đơn vị mà trước đó các cuộc kiểm toán thông thường không thực hiện được đầy đủ. Đặc biệt, kết quả kiểm toán CNTT đã phát hiện chính xác các hiện tượng vi phạm trong việc giữ lại nguồn ngân sách dự toán cấp 0 để điều hành theo quý, các nguồn ngân sách dự toán cấp 1 phân bổ không kịp thời, việc ứng trước hàng nghìn tỷ đồng NSNN cho xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch, việc điều chuyển nhiệm vụ chi không đúng Luật NSNN với sai phạm giá trị rất lớn, phát hiện các dữ liệu quản lý sai lệch tại nhiều cơ quan ban ngành có chức năng quản lý tài sản công tại các tỉnh như: dữ liệu quản lý đất đai, các dự án lớn, lập sổ bộ thuế đất phi nông nghiệp… Từ đó, KTNN có những kiến nghị về điều hành dự toán NSNN tại địa phương và việc quản lý tài sản công liên quan đến thu NSNN. 

Những khó khăn cần vượt qua

Bên cạnh những thành quả bước đầu, việc triển khai kiểm toán CNTT còn có rất nhiều khó khăn. Kiểm toán CNTT phải đảm bảo các yếu tố như: “Tài nguyên số” bao gồm hệ thống thông tin dữ liệu của các đối tượng kiểm toán phải được KTNN thu thập đầy đủ, tin cậy hằng năm; “hệ thống CNTT của KTNN” phải được chuẩn bị đầy đủ, tương thích để hình thành hệ thống ứng dụng tài nguyên số thu thập từ các đối tượng kiểm toán; “Các quy định pháp lý kiểm toán CNTT” là hệ thống các văn bản pháp lý về nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán CNTT như Luật KTNN, các chuẩn mực kiểm toán hiện hành của KTNN phù hợp với Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI). Các yếu tố trên được thiết lập mới đảm bảo nội dung, yêu cầu về kiểm toán CNTT của KTNN. 

Để thực hiện tốt loại hình kiểm toán CNTT, KTNN còn đối diện nhiều thách thức đòi hỏi phải tiếp tục triển khai, hoàn thiện hoạt động kiểm toán CNTT theo hướng tiếp cận kiểm toán CNTT theo Chuẩn mực ISSAI 5300 của INTOSAI. Đặc biệt, KTNN cần xây dựng: kiểm toán hệ thống và dự án CNTT trọng yếu; triển khai hoạt động kiểm toán CNTT tại các đoàn kiểm toán để nắm rõ hệ thống kiểm soát của đơn vị được kiểm toán có sử dụng ứng dụng CNTT cao; bổ sung và phát huy tối đa cơ sở dữ liệu của các kiểm toán chuyên ngành.

Bên cạnh đó, KTNN cần hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, đồng bộ hóa cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán CNTT; xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT của KTNN đảm bảo tương thích việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn cho KTNN; chú ý công tác đào tạo, bổ sung nhân sự kiểm toán CNTT có hiểu biết về CNTT và các nhân sự chủ chốt tinh thông về nghiệp vụ kiểm toán; chú trọng việc đầu tư phát triển các công cụ phần mềm hỗ trợ KTV, đồng thời đầu tư trang thiết bị công nghệ đặc thù đáp ứng yêu cầu kỹ thuật kiểm toán CNTT dữ liệu lớn.