Sản xuất kinh doanh phục hồi, thu ngân sách tăng khá
Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cùng với sự vào cuộc chủ động quyết liệt của cơ quan Thuế ngay từ đầu năm, nên hầu hết các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý I/2016 đều đạt khá so dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Ngân sách thu đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa cho biết, tổng thu NSNN thực hiện tháng 3/2016 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 54,7 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện thu tháng 2; luỹ kế thu quý I đạt 193,8 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 9,3%), thấp hơn mức tăng trưởng thu của cùng kỳ 2 năm gần đây.
Đáng chú ý ngay từ đầu năm, cơ quan Thuế đã chủ động vào cuộc, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát việc kê khai thuế, đôn đốc, kiểm tra quyết toán thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN; tổ chức triển khai các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế; thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp. Nhờ đó, hầu hết các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt khá so dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 31,1% dự toán, tăng 29,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 27,6% dự toán, tăng 14,1%; thuế thu nhập cá nhân đạt 30,6% dự toán, tăng 29,9%; thu tiền sử dụng đất đạt 35,4% dự toán, tăng 17,5%.
Cũng theo Bộ Tài chính, từ tháng 12/2015 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục giảm ở mức thấp và diễn biến phức tạp khó dự báo; hiện đang xoay quanh mức 38 - 40 USD/thùng. Giá dầu thanh toán bình quân quý I ước đạt khoảng 35,4 USD/thùng, giảm 24,6 USD/thùng so giá tính dự toán. Do vậy, thu về dầu thô thực hiện tháng 3 ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,4% dự toán, bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện tháng 3 ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 45,8% (khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng) so với thực hiện tháng trước. Luỹ kế thu quý I đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3 ước đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế quý I ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16% dự toán, bằng 81,3% so cùng kỳ năm 2015.
Tiến độ thu thuế xuất nhập khẩu đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ năm trước, theo Bộ Tài chính, chủ yếu do giá dầu thô và các sản phẩm hóa dầu xuất nhập khẩu giảm mạnh; kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu có đóng góp số thu lớn cho NSNN những tháng đầu năm đạt thấp. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã làm dịch chuyển thương mại, các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ các nước được hưởng thuế suất ưu đãi, nên cũng làm giảm số thu ngân sách trong lĩnh vực này.
Tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt 92 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I ước đạt 277,59 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán. Bội chi NSNN tháng 3 ước 21,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 3 tháng ước 47,08 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% dự toán năm.
Chi tiết kiệm, tăng cường chống thất thu
Trong quý II và thời gian còn lại của năm 2016, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Đồng thời, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán được giao.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao.
Cùng với đó, cơ quan Thuế, Hải quan quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hoá ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.
Song song với đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan Thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế để những cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn số giờ nộp thuế đi vào thực tế. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN...
Các đơn vị Vụ, Cục và Kho bạc nhà nước tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn. Thực hành tiết kiệm, đặc biệt là chi mua xe ô tô, chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh; hạn chế tối đa trình cấp có thẩm quyền ứng trước dự toán ngân sách và ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm sau.