Thương mại điện tử Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20% năm nay
Tần suất mua sắm của người dùng thương mại điện tử Việt Nam ở mức khá cao, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành này
Theo kết quả khảo sát mới nhất của DI Marketing về các khách hàng thương mại điện tử ở Việt Nam, có tới 90% số người trong nhóm này mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi quý.
Đây là một tin vui đáng khích lệ cho ngành thương mại điện tử, sau một chuỗi tin tức về việc các trang Beyeu, Deca, Lingo, Cdiscount phải đóng cửa. Theo dự báo gần đây từ eMarketer, mảng bán lẻ thương mại điện tử (retail ecommerce) của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng 20% trong năm nay lẫn năm sau, đạt tổng doanh thu 2,08 tỷ USD trong năm 2017.
Các số liệu từ DI Marketing cho thấy một khi người dùng Việt Nam đã được làm quen với thương mại điện tử thì tần suất sử dụng là khá lớn. Theo đó, có tới 19% người dùng thương mại điện tử mua hàng trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần, còn nếu tính theo ít nhất một lần mỗi tháng thì tỷ lệ này lên tới 71%.
Mặc dù vậy, người dùng Việt Nam vẫn chưa có ý định muốn thanh toán cho mua sắm trực tuyến bằng cách phương tiện thanh toán điện tử. Có tới 85% người dùng vẫn lựa chọn việc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng.
Về mặt thiết bị, trong khi desktop và laptop vẫn là phương tiện được sử dụng nhiều nhất để tìm hiểu và mua sắm trực tuyến (khoảng 75%), thì điện thoại di động đang bắt kịp khá nhanh (51%).
Trước đó hồi tháng 5, một khảo sát khác của W&S Group cho thấy phụ nữ Việt Nam đang đóng vai trò tiên phong trong việc sử dụng thương mại điện tử. Theo đó, tỷ lệ phụ nữ mua sắm quần áo trực tuyến cao hơn tỷ lệ của nam giới tới 20%, còn với giày dép thì cao hơn 10%.