Thương mại tín chỉ carbon: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng


Tín chỉ carbon rừng là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.
Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.

Tín chỉ carbon- kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao

Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02% là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đến nay, các bộ, ngành, địa phương có rừng đang đẩy mạnh các hoạt động liên quan nhằm xây dựng chính sách, quy định, hợp tác phát triển thị trường carbon rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển…

Theo giới chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao. Phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam chuyển từ kinh tế “nâu’’ sang “xanh”, đồng thời có thể giúp Việt Nam kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon. Để dần hiện thực hóa khí phát thải bằng 0, hiện nay các quốc gia sử dụng 2 công cụ chính là thị trường tín chỉ carbon và thuế carbon.

Vào tháng 10/2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là bên nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF). Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này 51,5 triệu USD. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với FCPF.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khoản chi trả này là bước ngoặt, đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, đặc biệt là từ rừng, nông nghiệp và năng lượng. Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải cho các tổ chức quốc tế, với giá khoảng 5USD/tấn, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có tiềm năng bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm. Đây là một nguồn thu nhập mới cho người trồng rừng, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần vào mục tiêu giảm phát thải chung của nền kinh tế.

Theo ghi nhận, thị trường tín chỉ carbon năm 2024 của Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng lên đến 20%. Nguyên nhân là do Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực giảm phát thải khí nhà kính từ các hiệp định quốc tế như thỏa thuận Paris và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài rừng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo hay trồng cây xanh đô thị. Việt Nam có tiềm năng lớn khi có nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện dồi dào. Các dự án năng lượng tái tạo có thể tạo ra tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải khí nhà kính do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cần vượt qua những thách thức

Theo Công ty Cổ phần sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ chưa thể sôi động ngay trong năm 2024 do nước ta mới đang trong quá trình xây dựng thị trường, dự kiến sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025 và sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028.

Bên cạnh đó, để tận dụng tiềm năng của tín chỉ carbon, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu hụt khung pháp lý, hệ thống giám sát báo cáo kiểm toán, cơ chế phân phối lợi ích, năng lực nhân sự và tài chính, cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu.

Theo đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài chính dự thảo thì sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại châu Âu hay Mỹ. Do đó, cần có sự đồng thuận và hợp tác giữa các bên liên quan, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, để xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, công bằng.

Bên cạnh đó, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ, phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: Giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường carbon là cơ hội mà các bên cần nắm bắt.

Đại diện một doanh nghiệp nêu quan điểm, “cuộc chơi” tín chỉ carbon phải là cuộc chơi cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), chứ không chỉ dành cho những “người khổng lồ”. Để làm được điều đó, Chính phủ cần phải có chính sách công bằng, chia sẻ cơ hội đồng đều cho những đơn vị đạt được những tiêu chuẩn chung.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp SMEs không đủ nguồn lực thì nên bắt đầu từ người lãnh đạo. Chủ doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng phải nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, nghĩ về trách nhiệm xã hội thông qua xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Vân Anh - Quản lý phát triển bền vững ngành hàng may mặc Decathlon Việt Nam, chia sẻ, tín chỉ carbon là thị trường nhiều tiềm năng nhưng mới mẻ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm và tiếp cận nguồn thông tin chính thống để biết mình phải bắt đầu từ đâu, có nên đầu tư chi phí và công sức cho thị trường carbon hay không. Do đó cần lắm những hướng dẫn, quy định và hành lang pháp lý từ các cơ quan nhà nước.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng hiện được thực hiện theo hai thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường được hình thành và điều tiết bởi các hệ thống giảm phát thải quốc tế, khu vực hoặc quốc gia để thực hiện giảm phát thải. Ngược lại, thị trường carbon tự nguyện vận hành dựa trên cam kết tự nguyện giữa các tổ chức, cá nhân và tuân theo các tiêu chuẩn, trong đó có các tiêu chuẩn carbon đặt ra được thị trường chấp nhận.

Theo Báo Công Thương