Thương mại Việt Nam: Triển vọng nhiều hơn thách thức

Theo Bảo Ngọc/congthuong.vn

Theo Báo cáo chuyên đề "Triển vọng thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam" vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố, dù đang có sự suy yếu song các cơ hội đối với thương mại Việt Nam vẫn nhiều hơn thách thức.

 Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 8 -10%. Nguồn: Internet.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 8 -10%. Nguồn: Internet.

Trước đó, báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, mức tăng trưởng XK sau 6 tháng của nước ta vẫn có những dấu hiệu lạc quan bởi cao hơn con số 5,3% trong quý I/2019, đồng thời là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực có tăng trưởng XK âm. Chưa kể, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với con số 1,64 tỷ USD sau 6 tháng. Mức tăng trưởng XK sau 6 tháng đầu năm tạo đà rất lớn cho việc hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm, khi theo quy luật, đơn hàng XK sẽ nhiều lên từ nay đến hết năm.

Bên cạnh đó, Báo cáo chuyên đề "Triển vọng thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam" cũng nhấn mạnh triển vọng thương mại của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo đó, báo cáo chỉ rõ, cơ hội vẫn có sức nặng nhiều hơn so với thách thức. Cụ thể, Việt Nam đứng trước cơ hội từ sự dịch chuyển sản xuất và đơn hàng XK tại một số ngành nghề nhất định từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết sẽ giúp mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam.

Dự kiến, EVFTA sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và GDP của Việt Nam tăng thêm 2,2 - 3,3% giai đoạn 2019-2023. Ngoài ra, cơ hội XK ngắn hạn trong khu vực cũng đang diễn biến tích cực nhờ nhu cầu nhập khẩu sắt, thép từ Campuchia hay gạo từ Philippines.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, cho đến khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ cần giải pháp của riêng mình với những thách thức lớn gồm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và xu hướng "khu vực hóa" trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc trong năm 2019. Bên cạnh đó, xu hướng khu vực hóa và bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, là thách thức cho việc mở rộng đơn hàng và thị phần của hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Hóa giải thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ hội nhập, về phía Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu - chia sẻ, Cục đang tích cực xây dựng đề án về xuất xứ hàng hóa, từ đó giảm thiểu tối đa việc gian lận xuất xứ ảnh hưởng đến hàng hóa trong nước khi XK sang các quốc gia đã ký kết FTA với nước ta. Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng XK từ 8 -10% như Chính phủ giao cho ngành Công Thương (tương đương 263 tỷ USD), XK 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 - 23,4 tỷ USD/tháng.