Tiên phong trong tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ xấu

PV.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh về nguồn vốn, tiềm năng con người, trong những năm qua Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) còn thực hiện tốt vai trò tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ xấu. DATC đã thể hiện rõ vai trò là một định chế tài chính quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Đây là một hình thức xử lý nợ đặc biệt, được DATC tập trung triển khai từ năm 2007 đến nay và hiện nay trên thị trường chỉ có DATC đang thực hiện thành công hoạt động này.

Thông qua tái cơ cấu phục hồi DN, DATC đã tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 83 DN (trong đó 36 DNNN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hoá, 40 DNNN đã được cổ phần hoá nhưng tiếp tục hoạt động thua lỗ do gặp khó khăn về tài chính), giúp xử lý nợ tồn đọng trong nền kinh tế, phục hồi DN trở lại hoạt động bình thường.

Thông qua hoạt động của mình, DATC đã trực tiếp giúp trên 20 tổng công ty nhà nước thuộc các bộ, ngành, địa phương xử lý tồn tại để cổ phần hóa thành công theo lộ trình của Chính phủ.

Qua đó, giúp Nhà nước thu hồi nợ đọng thuế và tăng thu cho ngân sách qua số thuế nộp mới hàng năm và nhất là tái tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội ở các địa bàn.

Tiếp nối quá trình tái cơ cấu, DATC cũng chú trọng hoạt động thoái vốn đã đầu tư vào DN, một nội dung để xác định hiệu quả tái cơ cấu.

Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu các DNNN, có kế hoạch và nhanh chóng thoái vốn tại các DN đã ổn định sản xuất kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính, nhằm quay vòng vốn để tiếp tục phục vụ hoạt động kinh doanh.

Phương thức thoái vốn của DATC đều thực hiện theo hình thức bán đấu giá công khai, minh bạch và nhằm mục tiêu bảo toàn vốn của DATC. Luỹ kế đến cuối năm 2016, Công ty đã thoái vốn tại 70 DN với doanh thu 520,4 tỷ đồng.

Về mảng hoạt động tiếp nhận, DATC đã tập trung xử lý tài sản, quyết liệt thực hiện thu hồi nợ nhằm tận thu cho ngân sách, tạo điều kiện cho các DN đã cổ phần hoá sớm triển khai được các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh đã đề ra.

Từ năm 2003 đến 2016, Công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hoá của 2.628 DN, với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tiếp nhận là 4.573,63 tỷ đồng.

Đối với nhiệm vụ về mua bán, xử lý nợ theo nhiệm vụ do Chính phủ giao, giai đoạn 2010 - 2016, DATC đã triển khai thực hiện tốt công tác đàm phán xử lý nợ của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tái cơ cấu một số doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế như Vinashin, Vinalines, Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprosimex...

Bên cạnh vai trò là công cụ Nhà nước trong xử lý nợ xấu, DATC còn là một kênh quan trọng tiếp nhận tri thức, hợp tác nước ngoài về tiếp nhận, mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng.

Cùng với xu thế hội nhập, DATC đã có những bước đột phá khi mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính quốc tế.

Đơn cử như các chương trình nghiên cứu, khảo sát tại Công ty Quản lý khai thác tài sản Hàn Quốc KAMCO, phối hợp với JICA triển khai dự án “Tăng cường năng lực quản lý doanh nghiệp, triển khai tái cấu trúc DNNN”, tham gia chia sẻ, cập nhật thông tin, kinh nghiệm tại diễn đàn quốc tế của các công ty quản lý tài sản nhà nước với tư cách thành viên sáng lập và hiện nay đang là chủ tịch luân phiên, hợp tác có hiệu quả với nhiều tổ chức tài chính, tổ chức xử lý nợ quốc tế.

Với những kết quả này, DATC từng bước trở thành một mô hình mẫu trong mua, bán và xử lý nợ, tạo lập những bước đi vững chắc đầu tiên cho một thị trường mua bán nợ Việt Nam và có ảnh hưởng lớn đến thị trường này, xứng tầm với vị trí chiến lược của công ty trong nền kinh tế.