Tiến tới “mua đứt, bán đoạn” nợ xấu
Đã đến lúc phải “bày” nợ xấu ra thị trường để “mua đứt, bán đoạn” nếu muốn xử lý nhanh và triệt để “cục máu đông” này mà không cần dùng vốn ngân sách.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), khẳng định từ khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42), những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành ngân hàng nói chung được tháo gỡ nhiều.
Bên cạnh ý thức trả nợ của khách hàng tốt lên, với việc cho phép bán dưới giá trị, bán nợ theo giá thị trường cũng tạo động lực lớn cho các ngân hàng cũng như VAMC tự tin trong xử lý, quyền được thu giữ tài sản khi khách hàng vi phạm cam kết.
Xử lý nợ xấu tăng mạnh
Theo số liệu mới nhất được công bố, sau 5 năm thành lập, VAMC đã mua được 26,27 nghìn khoản nợ của 16,84 nghìn khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD) có tổng dư nợ gốc nội bảng 309,71 nghìn tỷ đồng với giá mua nợ là 279,26 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Ông Đông cho biết, từ ngày 15/8/2017, khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước. Đặc biệt, sau hơn 3 tháng thực hiện Nghị quyết 42, kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của năm 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây.
Sau Nghị quyết 42, năm 2017, VAMC cùng các TCTD đã thu hồi nợ xấu được 30,85 nghìn tỷ đồng, gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó, tăng gần 2 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.
Đặc biệt, công tác tiến hành xử lý nợ xấu bước đầu cũng đạt kết quả khả quan. Tính đến hết năm 2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý nợ đạt 90,65 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngay sau khi áp dụng Nghị quyết 42, những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành ngân hàng nói chung được tháo gỡ nhiều.
Bên cạnh ý thức trả nợ của khách hàng tốt lên, với việc cho phép bán dưới giá trị, bán nợ theo giá thị trường đã tạo động lực lớn cho các ngân hàng cũng như VAMC tự tin trong xử lý, quyền được thu giữ tài sản khi khách hàng vi phạm cam kết.
Đến hết năm 2017, VAMC đã thu hồi được cơ bản số tiền mua nợ với tổng số tiền đã thu hồi từ khoản nợ mua theo giá thị trường đạt 2,91 nghìn tỷ đồng, chênh lệch tài chính từ hoạt động mua nợ lũy kế khoảng 52 tỷ đồng.
Các tháng đầu năm 2018 cũng đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực từ công tác thu hồi nợ ở TCTD và VAMC. Ghi nhận trong hai tháng đầu năm, VAMC đã thu hồi tổng số tiền 2.605 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch (cả năm là 24.890 tỷ đồng).
Ông Đông cho biết để xử lý triệt để và hiệu quả “cục máu đông” nợ xấu, đã đến lúc phải “bày” ra thị trường để chào bán, cách làm này sẽ đạt được mục tiêu không dùng ngân sách nhà nước để xử lý.
Theo Chủ tịch VAMC, công tác chuẩn bị cho việc mua bán nợ xấu theo cơ chế đã sẵn sàng. Hiện, Ban Công nghệ thông tin của VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu.
Kỳ vọng nợ xấu giảm
Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước lẫn nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu, mua bán và sáp nhập (M&A), tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nợ xấu, chuyển giao tài sản hay dự án để tiếp tục triển khai thực hiện…
“Dự kiến trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường”, ông Đông khẳng định.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành vào tháng 6/2018, đa phần các TCTD đưa ra nhận định khả quan về tình hình kinh doanh trong quý III và cả năm 2018.
Đặc biệt, các TCTD đánh giá mức độ lành mạnh của khách hàng cũng tăng lên. Kết quả điều tra cho thấy, kỳ vọng của các TCTD về mức độ rủi ro tổng thể của khách hàng trong năm 2018 so với năm 2017 tại cuộc điều tra kỳ này tích cực hơn kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra của kỳ trước.
Trong nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế, bên cạnh loại hình khách hàng được đánh giá có mức độ rủi ro thấp nhất là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức độ rủi ro của khách hàng là doanh nghiệp nhà nước cũng được đánh giá có xu hướng giảm với chỉ số cân bằng giảm từ 9,68% xuống còn 11,31%.
Trong quý III/2018, 82,5% TCTD kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng “ổn định” và 6,5% TCTD kỳ vọng rủi ro “giảm”. Trong các nhóm khách hàng, khách hàng là TCTD tiếp tục được đánh giá là nhóm có rủi ro thấp nhất và không đổi so với kỳ trước với 29,4% TCTD đánh giá mức độ rủi ro của nhóm khách hàng này đang ở mức “thấp” và “rất thấp”, 69,4% TCTD đánh giá “bình thường” và chỉ có 1,2% TCTD đánh giá ở mức “khá cao”.
Trên cơ sở đó, các TCTD dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ tín dụng có thể giữ ở mức thấp và hầu hết các nhóm TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với cuối năm trước.