Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10:
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Hợp tác xã (HTX) là một trong những mô hình hiện đại, thể hiện tính dân chủ, đoàn kết, công bằng và bình đẳng trong xã hội. HTX được tổ chức rộng rãi tại các cộng đồng, đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Sự hỗ trợ của Chính phủ các nước đối với khu vực kinh tế HTX là vô cùng cần thiết để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững. Những ý kiến, quan điểm này đã được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA - AP) lần thứ 10, diễn ra tại Việt Nam.
HTX giúp giảm nghèo và bảo đảm công bằng xã hội
Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn và HTX Bangladesh Khandker Mosharraf Hossain, HTX có thể giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chủ quyền lương thực và đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai. Tại Bangladesh, Thủ tướng Sheikh Hasina đã khởi xướng dự án “Mỗi nhà một trang trại” trên toàn quốc, dựa vào HTX để bảo đảm chủ quyền lương thực, giảm nghèo và phát triển thông qua mô hình trang trại gia đình. Bangladesh đã rất thành công trong việc huy động sức mạnh và các nguồn lực nhằm bảo đảm chủ quyền lương thực tuyệt đối.
Mô hình HTX Comilla ở nước này đã mở đường cho cuộc cách mạng xanh và phát triển nông thôn dựa vào nông nghiệp. Dự án “Mỗi nhà một trang trại” là một sáng kiến mới trong cùng định hướng, góp phần trực tiếp vào việc sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo và cung cấp đủ lương thực cho người dân trong nước.
Cùng quan điểm trên, bà Clara Mi Young Park - Đại diện tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với khô hạn, thiên tai và rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và cấp thiết phải có những giải pháp để tháo gỡ. Nhân rộng mô hình HTX, tạo cơ chế, chính sách để HTX phát triển là một trong những giải pháp quan trọng.
Bởi, thực tế, HTX có vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình phát triển; hỗ trợ dịch vụ, chi phí hoạt động để bảo đảm sự liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; có vai trò kết nối người dân khu vực thành thị và nông thôn thông qua các chương trình, dự án”. Cũng theo bà Park, HTX là phương tiện quan trọng trong việc hỗ trợ trang trại gia đình, giảm đói nghèo ở vùng nông thôn và tạo việc làm cho lao động địa phương. HTX cũng là những đối tác và thành phần chiến lược để thực hiện chương trình nghị sự đến năm 2030 và nhiệm vụ của FAO.
Theo Chủ tịch ICA khu vực châu Á - Thái Bình Dương Li Chunsheng, HTX tạo ra doanh thu hàng năm trên 3.000 tỷ USD và tạo việc làm cho trên 250 triệu người trên toàn thế giới, đóng góp lớn vào ổn định kinh tế toàn cầu và trở thành 1 trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững với 17 mục tiêu là chấm dứt đói nghèo, bảo vệ môi trường và bảo đảm sự thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Trong đó, HTX được xem là một trong những đối tác quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đề ra, là hạt nhân thúc đẩy dân chủ, hợp tác, thực hiện gắn kết xã hội và quan tâm đến môi trường.
Cần sự hỗ trợ và hợp tác từ Chính phủ
Chương trình Nghị sự của phong trào HTX đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu là tăng số thành viên HTX lên 2 tỷ người, đạt 4 triệu HTX và chiếm 20% nền kinh tế toàn cầu. Để cụ thể hóa và thực hiện các mục tiêu, các Hội nghị tham vấn khu vực đã được tổ chức, đặc biệt tại Đại hội đồng Liên minh HTX quốc tế khu vực lần thứ 12 và Diễn đàn HTX lần thứ 9 tại Ấn Độ cuối năm 2016 đã ra Thông cáo chung: “Hợp tác xã: Sức mạnh để thực hiện vì một tương lai bền vững”. Vì vậy, đa số các đại biểu cho rằng, sự đồng lòng, đoàn kết, hợp tác và sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ các nước đối với khu vực HTX trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Ở đa số quốc gia trong khu vực, HTX có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế. Điển hình như Nepal, Chính phủ đã xây dựng chính sách quốc gia về HTX năm 2012 sau khi thành lập Bộ HTX và giảm nghèo. Hiến pháp năm 2015 của Nepal cũng đặt khu vực này như một trong những trụ cột của nền kinh tế.
Hiến pháp nhằm vào sử dụng tối đa các HTX vì sự tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở công bằng và bình đẳng xã hội. Theo ông Suresh Pradhan - Thư ký Bộ trưởng Bộ HTX và giảm nghèo Nepal, các HTX ở Nepal có quan hệ chặt chẽ với các sáng kiến của Chính phủ và Chính phủ sử dụng các HTX như một phần của các chương trình phát triển. Chính phủ Nepal đã và đang tạo ra môi trường phù hợp cả cho phong trào HTX và cho những người làm chính sách; cam kết cùng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển HTX với phong trào HTX ở Nepal.
Cũng giống như Nepal, ở Bhutan, các HTX cũng được coi như một diễn đàn nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Bhutan Lyonpo Yeshey Dorji khẳng định: “Chúng tôi nhận thức rõ rằng để hưởng được đầy đủ lợi ích của HTX, cần chuyển sang những lĩnh vực phi truyền thống khác như: Giáo dục, y tế, nhà ở và những loại hình HTX khác.
Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng tôi sẽ phải đưa ra một khung pháp lý phù hợp và tạo một môi trường thuận lợi cho các HTX tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ”. Ông Lyonpo Yeshey Dorji cho hay, Quốc vương Bhutan đặc biệt quan tâm đến phát triển HTX, đặc biệt là HTX thanh niên. Đó cũng được coi là một chiến lược hướng đến việc giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên, tạo ra những cơ hội sinh kế và giải quyết các vấn đề xã hội cũng như những khó khăn liên quan đến thanh niên.