Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Bảo vệ môi trường là cần thiết
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí về việc lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường chiều 26/5, tại Hà Nội.
Luật thuế Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XII, tại kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Qua tổng kết, đánh giá thực hiện cho thấy, Luật Thuế Bảo vệ môi trường đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu khi ban hành. Tuy nhiên, hiện Luật thuế này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.
Trao đổi với các cơ quan báo chí tại cuộc họp, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung cơ bản của Dự án Luật bao gồm các sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ, đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, phương pháp tính thuế, biểu khung thuế và thời điểm tính thuế, hoàn thuế...
Trong đó, một nội dung mà dư luận, báo chí quan tâm nhiều tại dự thảo Luật là khung thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, cụ thể là đề xuất nâng khung thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Lý giải thêm về đề xuất này, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho rằng: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện...
Việc điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường xuất phát từ nhiều yếu tố, như việc cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia. Bên cạnh đó, hiện giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước chung đường biên giới và nhiều nước khác trong ASEAN. Giá xăng dầu ở các nước trên thế giới hầu hết đều theo mặt bằng chung; do đó, khi giá xăng dầu tại Việt Nam thấp hơn chính là do tỷ lệ thuế trong giá của chúng ta thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn cũng như trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường...
Như vậy, việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 3.000 - 8.000 đồng/lít theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường chưa có nghĩa là tăng mức thuế hiện hành mà là tăng sự linh hoạt điều hành, chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động lớn, do đó chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu cũng như chưa ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính đã tiếp thu, giải trình đầy đủ để gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật. Chính phủ đã đồng ý (cả về nội dung và chính sách) và giao Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội, để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017.
Ngày 22/4, tại kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017. Hiện, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật. Dự án Luật đang được gửi lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.