Tiếp tục đánh giá, xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá


Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Tài chính, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn đã quy định, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức triển khai bộ sách giáo khoa mới theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2020-2021, đã có 05 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép các nhà xuất bản phát hành để học sinh, nhà trường sử dụng học tập, giảng dạy.

Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, vừa qua, các nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới. Theo đó, 03 lần các nhà xuất bản đã kê khai lại giá sách giáo khoa, trong đó điều chỉnh giá giảm từ 3.3% - 9% đối với sách lớp 2 và 2.4% - 9% đối với sách lớp 6.

Về số học thì giá bộ sách giáo khoa mới (179.000 đồng - 203.000 đồng/bộ sách lớp 2, 234.000đồng-259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2, 99.000 đồng/bộ sách lớp 6).

Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10 -13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6 -11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn...

Đồng thời, do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như chi phí bản thảo, chi phí nhuận bút lần đầu... không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng.

Bộ Tài chính cho biết, sách giáo khoa là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.