Tiếp tục nâng cao tính Đảng trong hoạt động báo chí


Gần 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước. Có được những thành tựu to lớn này, càng khẳng định sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, đó chính là tính định hướng chính trị, tư tưởng, tính Đảng trong hoạt động báo chí.

Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Báo chí giữ vai trò là người tuyên truyền, cổ động, người tổ chức tập thể, một trong những động lực của phong trào cách mạng, đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, càng không thể tách rời yếu tố định hướng chính trị, tư tưởng… Điều này cũng đặt ra vai trò, trách nhiệm rất lớn của những cơ quan báo chí chính thống trong định hướng dòng chảy thông tin chủ lưu hiện nay, nhất là vấn đề nâng cao tính Đảng, tính định hướng chính trị trong hoạt động báo chí.

Thực tiễn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng, và các loại hình truyền thông mới trên Internet trong thời gian qua đã và đang đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết. Hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan báo chí và nhà báo có những biểu hiện chưa nghiêm túc trong quá trình tác nghiệp, làm giảm hiệu quả thông tin báo chí, ảnh hưởng không tốt đến kỷ cương xã hội; vẫn còn một số cơ quan báo chí thông tin chưa chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị... Không chỉ vậy, để thu hút bạn đọc, một số báo, tạp chí, trang thông tin điện tử chạy theo thị hiếu tầm thường, khai thác đời tư cá nhân, “câu view - câu khách” với những tít bài giật gân, phản cảm, buông lỏng tính định hướng dư luận; coi nhẹ chức năng chính trị tư tưởng của báo chí cách mạng; xa rời tôn chỉ, mục đích... làm suy giảm lòng tin của bạn đọc với báo chí... Đây thực sự là vấn đề nhức nhối, cần có biện pháp giải quyết kịp thời. 

Để giải quyết những vấn đề tồn tại trên, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông. Tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là thực hiện lời dạy của Người về công tác báo chí, truyền thông: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội”… Các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.

Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển báo chí, truyền thông, trong đó có Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Không ngừng xây dựng, bổ sung các quy định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí; tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật Báo chí; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chế tài đủ mạnh để tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, kịp thời đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý hệ thống báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng.

Báo chí cách mạng luôn bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước.
Báo chí cách mạng luôn bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác định hướng chính trị, tư tưởng có ý nghĩa như “kim chỉ nam” dẫn đường mọi hoạt động của báo chí. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền, xây dựng phong cách làm việc theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hoá đến từng bộ phận chức năng, cá nhân cán bộ, phóng viên của tòa soạn báo. Định hướng chính trị, tư tưởng hiệu quả thể hiện bằng chất lượng thông tin đúng với sứ mệnh của tờ báo, thông tin được cập nhật “nhanh, nhạy, trung thực, chính xác, đáng tin cậy” được công chúng, bạn đọc đón nhận.

Muốn vậy, các cơ quan báo chí phải tập trung “bám sát tôn chỉ, mục đích để có bản sắc riêng”, tránh sa đà, thương mại hoá, thông tin dàn trải, sao chép, xa rời định hướng. Mỗi tờ báo phải xây dựng hệ thống tổ chức, xác định số lượng ấn phẩm, chuyên mục, chuyên đề… phù hợp với tôn chỉ, mục đích, không ngừng nâng cao tính định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là tính Đảng trong hoạt động báo chí. Tổ chức bộ máy tinh, gọn nhẹ, đảm bảo sự phân công, phân cấp đội ngũ phóng viên, biên tập viên phù hợp với sở trường, năng lực chuyên môn, chuyên sâu của mỗi cá nhân. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên…, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cũng như làm chủ được hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nghệ làm báo mới, báo chí đa phương tiện (multimedia), nhất là báo điện tử.

Việc bám sát tính định hướng chính trị, tư tưởng, tính Đảng trong hoạt động báo chí đã góp phần giải quyết hài hoà giữa “nhanh, nhạy” với “đúng định hướng”.

Nhằm không ngừng nâng cao tính định hướng chính trị, tư tưởng, nâng cao tính Đảng trong hoạt động báo chí, nhất là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, cần tiếp tục thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, không sa đà, chạy theo tin bài, xa rời định hướng chính trị, tư tưởng; cần kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, mọi hoạt động tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên; xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có nhãn quan chính trị, có độ nhạy thông tin; chủ động xây dựng những nội dung nhằm vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh; những định hướng của Đảng, Nhà nước trong phát triển báo chí, truyền thông trong bối cảnh mới; khuyến khích cán bộ phóng viên, biên tập viên nâng cao năng lực chuyên môn, vận dụng sáng tạo các hoạt động tác nghiệp...

Mỗi nhà báo phải sâu sát đến cơ sở, đi thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, của thời đại, nắm bắt nguyện vọng của quần chúng Nhân dân, kịp thời tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, là “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, vì Nhân dân để phụng sự./.

Theo TS. Nguyễn Công Dũng/dangcongsan.vn