Tiếp tục ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp


Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các giải pháp để tiếp tục ổn định thị trường và việc xử lý các vi phạm, trên thị trường TDPN riêng lẻ 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng (giảm 45,1% so cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so cùng kỳ năm 2022).

Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NÐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng tháng 10, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9 (23,4 nghìn tỷ đồng).

Ðáng lưu ý, cho tới nay, các doanh nghiệp đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng. Nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp là các nhà đầu tư tổ chức (chiếm 95% tổng khối lượng phát hành), các nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 5%. Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ TPDN riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).

Ðể đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Bộ Tài chính đã trao đổi với hai tổ chức xếp hạng MSCI và FTSE cùng với tư vấn của Ngân hàng Thế giới. Trong 12 nhóm vấn đề cần cải thiện đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, có các vướng mắc về chính sách và thực tiễn cần tập trung tháo gỡ, như: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, giới hạn sở hữu nước ngoài…

Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát tổng thể để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, sớm đưa hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình CCP vào hoạt động.

Trong 12 nhóm vấn đề cần cải thiện đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, có các vướng mắc về chính sách và thực tiễn cần tập trung tháo gỡ, như: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, giới hạn sở hữu nước ngoài…

Riêng về giới hạn sở hữu nước ngoài, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu; nghiên cứu giảm bớt số lượng ngành nghề không nhất thiết hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo danh mục ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và tiếp cận thị trường có điều kiện hiện hành.

Bộ Tài chính cũng rà soát, sửa đổi các quy định về công bố thông tin của các công ty đại chúng theo hướng yêu cầu các công ty niêm yết quy mô lớn (dự kiến là các công ty niêm yết trong rổ chỉ số VN100) bắt buộc thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời triển khai thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại tất cả các công ty đại chúng để nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi trong việc nắm thông tin về khả năng tham gia tại các doanh nghiệp.

Trong các giải pháp để tiếp tục ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các nhà quản lý tiếp tục phát đi nhiều thông điệp quan trọng. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra chuyên ngành.

Ðặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đến cùng với các khoản nợ của mình, đồng thời chính nhà đầu tư cũng phải tự bảo vệ tài sản, cơ quan quản lý phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và tăng cường giám sát. Hy vọng với các động thái này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được chỉnh đốn và đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, tăng cường sức sống cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo Sông Trà/nhandan.vn