Tiếp tục ưu tiên chi ngân sách cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân
Theo Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tiếp tục ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân.
Thu ngân sách vẫn đảm bảo dự toán
Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020.
Cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ, kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, thu nộp vào ngân sách nhà nước. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 15/10/2021, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 49.083 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 676.567 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 35,127 nghìn tỷ đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 5,408 nghìn tỷ đồng.
Cũng đến ngày 15/10/2021, cơ quan hải quan đã thực hiện 150 cuộc thanh tra, kiểm tra toàn ngành, kiến nghị truy thu 288,698 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước 227,087 tỷ đồng; 1.328 cuộc kiểm tra sau thông quan, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 545,76 tỉ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 494,73 tỉ đồng.
Cơ quan hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 11,96 nghìn vụ vi phạm với trị giá hàng hóa 2,07 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 170,3 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 1.221 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương đạt 87% dự toán; ngân sách địa phương đạt 95,7% dự toán). Trong đó: Thu nội địa đạt 996,7 nghìn tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 77,4% dự toán, giảm 5%); Thu từ dầu thô đạt 33,3 nghìn tỷ đồng, bằng 143,6% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ; Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 190,25 nghìn tỷ đồng, bằng 106,6% dự toán, tăng 27,7% so cùng kỳ.
Riêng trong tháng 10/2021, thu nội địa đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 59 nghìn tỷ đồng so với tháng 9, do tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp kê khai, nộp các khoản thuế theo chế độ được phép thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế gia trị gia tăng của doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý III chuyển nộp trong đầu quý IV).
Đồng thời, trong tháng 10/2021, cơ quan thuế thực hiện thu vào ngân sách nhà nước khoảng 16 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.
Chi 31,55 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch, 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân
Về chi ngân sách, lũy kế chi 10 tháng đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 85,37 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán; chi thường xuyên đạt gần 798,1 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán.
Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tiếp tục ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân. Theo Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 10, ngân sách nhà nước đã chi 31,55 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong tổng số chi cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân trên, Trung ương đã chi 24,88 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 18,13 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vắc xin và chi cho công tác phòng, chống dịch; mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; 6,337 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vắc xin; 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Cùng với Trung ương, các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương là 25,89 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn.
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 28/10/2021 đã thực hiện phát hành được 253,86 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,34 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.