Tiêu chí đánh giá rủi ro quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện bổ sung bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong lĩnh vực giá chuyển nhượng, chú trọng vào quy định cập nhật thông tin trên Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các doanh nghiệp đa quốc gia vào ứng dụng phân tích rủi ro. Bài viết này tìm hiểu về bộ tiêu chí chính được lựa chọn để xác định rủi ro về xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi luận (BEPS) hay về giá chuyển nhượng của một tập đoàn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xây dựng bộ công cụ phân tích rủi ro giá chuyển nhượng nhằm hỗ trợ các nước trong quá trình thiết kế và triển khai các công cụ đánh giá rủi ro giá chuyển nhượng của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Bộ tiêu chí chính được lựa chọn để xác định rủi ro về xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi luận (BEPS) hay về giá chuyển nhượng của một tập đoàn. Cụ thể:
Tiêu chí 1: Quy mô hoạt động của tập đoàn tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ
Quy mô hoạt động của tập đoàn tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là tiêu chí đầu tiên được sử dụng để xác định tập đoàn đa quốc gia nào có rủi ro cao. Nếu Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho thấy tổng doanh thu của tập đoàn đang hoạt động tại một quốc gia/vùng lãnh thổ lớn hơn nhiều so với ngưỡng doanh thu phải lập Báo cáo lợi nhuận theo quy định thì cơ quan thuế (CQT) có thể phân loại riêng để tiếp tục thực hiện đánh giá rủi ro.
Ngược lại, nếu một tập đoàn đang hoạt động tại một quốc gia/vùng lãnh thổ có mức doanh thu rất thấp, phản ánh đúng thực tế kết quả hoạt động của tập đoàn, đồng thời đựa vào các thông tin khác như hồ sơ tập đoàn, hồ sơ công ty và kinh nghiệm, chuyên môn của CQT, có thể xác định rằng rủi ro về thuế tại quốc gia/vùng lãnh thổ đó là thấp.
Tiêu chí 2: Hoạt động của tập đoàn tại một quốc gia/vùng lãnh thổ giới hạn có rủi ro thấp
Dựa vào Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia CQT phân loại các tập đoàn đang hoạt động tại quốc gia/vùng lãnh thổ nơi quản lý có rủi ro thấp. Chẳng hạn, một tập đoàn chỉ là một công ty nắm giữ vốn tại một quốc gia/vùng lãnh thổ (hoặc chỉ có một số hoạt động gián tiếp khác), CQT có thể xác định đây là những hoạt động có rủi ro thấp.
Tiêu chí 3: Doanh thu của bên liên kết tại một quốc gia/vùng lãnh thổ có giá trị cao hoặc chiếm tỷ trọng cao
Không phải cứ có doah thu từ các bên liên kết thì tập đoàn có rủi ro cao về thuế. Trong tiêu chí này, nếu doanh thu từ bên liên kết là đáng kể, có thể phát sinh rủi ro sai sót liên quan đến việc xác định giá chuyển nhượng và dẫn đến sự chênh lệch nhất định về số thuế phải nộp. Để nhận diện rủi ro, CQT sử dụng doanh thu nội bộ phát sinh tại quốc gia/vùng lãnh thổ khác và tỷ lệ doanh thu phát sinh từ các bên liên kết trên tổng doanh thu.
Trường hợp, tỷ lệ này cao, CQT có thể xem xét các yếu tố tiếp theo như tập đoàn có thực hiện các hoạt động trọng yếu ở nước ngoài không, bản chất của các hoạt động này là gì, mức thuế thực nộp là bao nhiêu, trước khi xác định tập đoàn đó có rủi ro cao về thuế tại quốc gia/vùng lãnh thổ nơi CQT quản lý hay không.
Đồng thời, CQT cũng có thể sử dụng thông tin khác về tập đoàn để xác định phạm vi và tính chất của các giao dịch và các khoản thanh toán giữa các bên liên kết trong nước và ở nước ngoài, từ đó xác định xem yếu tố nào trong những yếu tố này dẫn đến rủi ro về BEPS.
Tiêu chí 4: Kết quả kinh doanh của tập đoàn tại một quốc gia/vùng lãnh thổ biến động lớn so với các doanh nghiệp độc lập
Các hệ số tài chính trọng yếu có thể được sử dụng để so sánh các hoạt động của tập đoàn tại một quốc gia/vùng lãnh thổ với các hoạt động mà tập đoàn tiến hành tại các quốc gia/vùng lãnh thổ khác: so sánh nội bộ, so sánh với các doanh nghiệp độc lập, hoặc với tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành.
Thông tin về các bên liên kết trong tập đoàn có thể được lấy từ Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, trong khi thông tin về các tập đoàn khác và tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành có thể được thu thập từ cơ sở dữ liệu hoặc tự xây dựng dựa vào cơ sở dữ liệu riêng của CQT.
Trường hợp các kết quả so sánh có sự khác biệt trọng yếu, CQT có thể sử dụng để làm tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế. Tuy nhiên, lưu ý có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến các chỉ số đánh giá rủi ro tại một nước có thể khác với nước khác (ví dụ do quy mô thị trường, mức độ cạnh tranh, thời gian hoạt động tại thị trường, vị thế cạnh tranh trên thị trường, chi phí lao động và các yếu tố có ảnh hưởng khác). Do đó, các chỉ số đánh giá rủi ro về thuế cần được xem xét trước khi đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp thực thi tuân thủ.
Tiêu chí 5: Kết quả kinh doanh tại một quốc gia/vùng lãnh thổ không phản ánh đúng xu thế thị trường
Có nhiều lý do khác nhau (về thuế hoặc nhiều lý do khác) mà kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một tập đoàn tại một quốc gia/vùng lãnh thổ tốt hơn hoặc kém hơn so với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác hoặc so với các tập đoàn khác.
Tuy nhiên, nhìn chung sự thay đổi về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thường phản ánh đúng xu thế thị trường. Trong trường hợp ngược lại, kết quả kinh doanh của tập đoàn thay đổi có thể do BEPS đơn giản thay vì hoạt động kinh doanh được thực hiện tại quốc gia/vùng lãnh thổ đó.
Ví dụ, nếu thị trường tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn đang mở rộng, doanh số của tập đoàn tăng lên, khả năng sinh lời của các công ty con góp phần vào doanh số chung của tập đoàn kỳ vọng sẽ tăng. Nếu kết quả kinh doanh của tập đoàn trái với kỳ vọng, đây có thể là dấu hiệu về hành vi chuyển giá hoặc rủi ro liên quan đến BEPS và có thể cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Lưu ý, trước khi đưa ra quyết định tiến hành bất cứ hoạt động tuân thủ tiếp theo nào, CQT cần xem xét các lý do thương mại đối với mọi thay đổi xuất phát từ các xu thế thị trường, ví dụ trường hợp một tập đoàn có hoạt động đầu tư đáng kể tại một quốc gia/vùng lãnh thổ với thị trường đang phát triển, hoạt động này có thể làm giảm lợi nhuận trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ làm tăng lợi nhuận trong tương lai.
Tiêu chí 6: Các quốc gia/vùng lãnh thổ có lợi nhuận đáng kể nhưng có hoạt động không đáng kể
Các thông tin hữu ích về doanh thu, lợi nhuận và hoạt động kinh doanh có thể được sử dụng làm các chỉ số đầu tiên để xác định tập đoàn có các công ty con tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ có doanh thu không tương xứng với hoạt động kinh doanh tại các quốc gia/vùng lãnh thổ đó. Đây được xem là một rủi ro cụ thể về thuế nếu doanh thu về cơ bản phát sinh từ các bên liên kết, điều này cũng cho thấy lợi nhuận xuất phát từ các bên trong tập đoàn.
Tiêu chí 7: Các quốc gia/vùng lãnh thổ có lợi nhuận đáng kể nhưng có số thuế thu nhập giữ lại phải nộp thấp.
Tiêu chí 8: Các quốc gia/vùng lãnh thổ có hoạt động đáng kể nhưng có mức lợi nhuận thấp (hoặc lỗ lớn)
Trường hợp một bên liên kết thường xuyên lỗ hoặc có mức lợi nhuận trước thuế thấp không có căn cứ để giải trình CQT có thể phân loại để thực hiện kiểm tra nhằm đảm bảo rằng không có rủi ro về BEPS.
Khi thực hiện phân tích rủi ro, CQT cần lưu ý một số bên liên kết chỉ thực hiện một số hoạt động phụ trợ cho các bên liên kết khác vì mục tiêu kinh doanh chung. Ví dụ, một bên có thể tiến hành các hoạt động đòi hỏi phải có nhiều lao động nhưng lại có mức lợi nhuận thấp (ví dụ, các trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hoặc điều hành quản lý).
Tiêu chí 9: Tập đoàn có hoạt động tại quốc gia/vùng lãnh thổ có rủi ro về BEPS
Tiêu chí 10: Tập đoàn có hoạt động không cố định thực hiện tại các nước/vùng lãnh thổ nơi có mức thuế thấp hơn hoặc số thuế phải nộp thấp.
Tiêu chí 11: Có sự thay đổi về cấu trúc của tập đoàn, kể cả nơi đặt tài sản
Tiêu chí 12: Quyền sở hữu trí tuệ không gắn với các hoạt động liên quan của tập đoàn
Tiêu chí 13: Tập đoàn có các thực thể thực hiện hoạt động marketing thành lập tại các vùng lãnh thổ nằm ngoài các thị trường chính.
Tiêu chí 14: Tập đoàn có các doanh nghiệp thu mua đặt tại các quốc gia/vùng lãnh thổ nằm ngoài các địa điểm sản xuất chính.
Tiêu chí 15: Thuế thu nhập thực nộp luôn luôn thấp hơn thuế thu nhập phải nộp
Tiêu chí 16: Tập đoàn có các thực thể cư trú đôi
Tiêu chí 17: Tập đoàn có các thực thể không có nơi cư trú thuế
Tiêu chí 18: Tập đoàn kê khai doanh thu không đầy đủ
Tiêu chí 19: Thông tin trên Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia không phù hợp với thông tin do công ty con trong tập đoàn đã cung cấp trước đó.
Các tiêu chí trong Bộ công cụ này chưa phải là cơ sở để xác định một doanh nghiệp đa quốc gia có rủi ro lớn về thuế tại một quốc gia/vùng lãnh thổ hay không. Tuy nhiên, tổng thể tất cả các tiêu chí có thể giúp CQT có thể xác định được một tổ hợp về rủi ro của tập đoàn.