Tìm giải pháp để nông sản đồng bằng sông Cửu Long vượt khó mùa Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, giá nhiều loại nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rớt vì khó tìm nơi tiêu thụ. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, sản lượng nông sản thu hoạch của vùng dự kiến còn rất lớn. Trước tình hình này, các bộ, ngành hữu quan, địa phương, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã… đã cùng nhau bàn giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo nông sản đồng bằng lưu thông thông suốt, bán giá tốt để nông dân có vốn đầu tư tái sản xuất.
Khó đầu ra
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, cho biết: Những ngày qua, hầu hết các loại nông sản của thành phố đều gặp khó trong khâu tiêu thụ, giá bán giảm sâu. Nguyên nhân là do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 làm việc lưu thông, kết nối cung - cầu nông sản bị gián đoạn.
Qua thống kê, rà soát, từ nay đến tháng 9/2021, riêng mặt hàng trái cây, TP. Cần Thơ có khoảng trên 26.000 tấn được thu hoạch với các loại chủ yếu như: mít, dâu, nhãn, chôm chôm, bưởi, mận… Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa biết điểm dừng sẽ tiếp tục gây khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản của thành phố.
Tương tự TP. Cần Thơ, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đang tìm đầu ra cho trái nhãn - một trong các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh. Hiện diện tích trồng nhãn của Sóc Trăng là 3.130ha. Trong đó, có 2.536ha đang cho trái, tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và Vĩnh Châu. Cơ cấu giống gồm nhãn da bò 54,5%, nhãn xuồng 22,9%, nhãn Ido 13%, thanh nhãn 8,3% và các giống nhãn khác 1,3%. Thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12-2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn.
Tỉnh Đồng Tháp dự kiến từ nay đến cuối năm có 1.230ha nhãn thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn; lúa hơn 123.250ha, sản lượng ước đạt gần 550.000 tấn; xoài với diện tích hơn 3.770ha, sản lượng ước đạt gần 30.650 tấn; chanh hơn 1.760ha, sản lượng ước đạt gần 21.500 tấn... Đồng Tháp còn là địa phương sản xuất cá tra trọng điểm với diện tích 2.000ha mặt nước, sản lượng trên 530.000 tấn/năm…
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp (chuyên trồng nhãn), cho biết: “Vừa qua, Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Tháp và huyện hỗ trợ nên đã giải quyết một phần cho nông dân. Tuy nhiên, do phải thuê nhiều nhân công, từ hái, đóng gói cho đến vận chuyển nên chúng tôi hầu như bán chỉ hòa vốn, không có lãi. Chúng tôi mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra với giá tốt, có cam kết thu mua”.
Mở đường
Vấn đề liên kết để thúc đẩy tiêu thụ nông sản không phải là câu chuyện mới. Song, sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ cần sự chung tay của các hộ nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp. Và mỗi chủ thể sản xuất, kinh doanh cũng phải chủ động xây dựng thương hiệu, quảng bá để tìm kênh phân phối tốt cho sản phẩm.
Theo ông Võ Tiến Thành - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, đề xuất: Thời điểm này, giao dịch trực tiếp rất khó khăn, chính vì thế, nông dân, doanh nghiệp cần phát triển các kênh bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, mở trang web để giới thiệu hàng hóa... Cùng với đó, chúng ta cũng phải thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm để bắt mắt và hấp dẫn hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Thái Nghiêm khẳng định, kênh thương mại điện tử là kết nối quan trọng không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà chắc chắn sẽ là xu thế của tương lai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) ra mắt website chuyên về kết nối cung cầu, phục vụ riêng trên địa bàn thành phố. Ở đây, người mua có thể nêu lên yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng, quy cách sản phẩm cần mua; còn người bán thì quảng bá, chia sẻ hình ảnh, thông tin liên quan về nông sản của mình để thu hút khách hàng.
Để vượt qua mùa COVID-19, ngành Nông nghiệp thành phố cũng khuyến khích các thành viên, đặc biệt là người trẻ trong mỗi hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác tăng cường đăng bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Ở khâu sản xuất, nông dân nên sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm giá thành; tập trung nâng chất lượng nông sản, thay vì bất chấp chạy theo số lượng.
Theo các chuyên gia, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần nhanh chóng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển theo kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp có thế mạnh cạnh tranh, lợi nhuận cao, có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng…
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, khẳng định: "Các kênh bán lẻ sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm vì họ luôn mong muốn có sự đa dạng và sự cạnh tranh với giá tốt. Vì vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi sản xuất cần xác định sản phẩm của mình sẽ bán ở kênh nào để sản xuất sản phẩm phù hợp với kênh đó. Đồng thời, phải tính toán linh hoạt để hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh".
Với mục tiêu “San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch COVID-19”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Tại hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021 mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh: Các địa phương tại ĐBSCL cần thống kê sản lượng nông sản theo từng huyện để xây dựng kịch bản tiêu thụ chi tiết. Từ đó, chỉ đạo, đề xuất để các đơn vị hỗ trợ cho quá trình tiêu thụ như Bắc Giang đã làm với vụ vải vừa qua. Hiện nay, Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ. Các địa phương có thể nghiên cứu mô hình này, từ đó đưa ra những kiến nghị với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý các vướng mắc.