Tín dụng nhiều ngân hàng chưa thoát tăng trưởng âm

Theo Vân Linh/Đầu tư Chứng khoán

Tín dụng toàn ngành ngân hàng đến thời điểm này đã tăng trưởng trở lại với mức tăng 4% so với đầu năm nay, nhưng nhiều ngân hàng vẫn còn tăng trưởng âm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tín dụng tăng chậm 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo tài chính quý II/2020, tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của Ngân hàng Quốc Dân (NVB) giảm 11% so với đầu năm, xuống 71.386 tỷ đồng, chủ yếu do tiền, vàng gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 76% và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 94% giảm mạnh. Còn cho vay khách hàng của NVB chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm, đạt 38.862 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản của Bac A Bank đạt 110.928 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2020, tăng nhẹ 3% so với đầu năm chủ yếu nhờ các khoản phải thu tăng 13%. Trong đó, cho vay khách hàng xấp xỉ đầu năm, ghi nhận 74.015 tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm đến 48%, chỉ còn 259 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Saigonbank giảm gần 10% so với đầu năm, xuống còn 20.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2%, đạt 15.982 tỷ đồng.

Nhưng điều đáng chú ý, mặc dù tín dụng tăng trưởng âm, Ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro.

Còn theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Kienlongbank, tính đến cuối tháng 6/2020, cho vay khách hàng xấp xỉ đầu năm nay, ghi nhận 34.146 tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp tư nhân gấp 10,4 lần đầu năm (231 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của SeABank cũng cho thấy, tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của SeABank đạt 161.540 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm, chủ yếu do tăng các khoản phải thu (tăng 24%), chứng khoán kinh doanh (gấp 2,6 lần). Đáng chú ý, cho vay khách hàng lại giảm nhẹ 1%, ghi nhận 98.004 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của Eximbank thậm chí còn giảm 4% trong quý đầu năm nay và dự báo chưa mấy sáng sủa trong quý II/2020, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với Agribank, tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2020 của Ngân hàng đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỷ đồng.

Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.

Như vậy, so với cuối năm 2019, tổng tài sản của Ngân hàng nhích nhẹ 0,62%, nhưng tín dụng lại ghi nhận tăng trưởng âm với mức -1,3%.

Năm 2020, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 12.200 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế dự kiến tăng 8,5 - 11%, được điều chỉnh theo nghị quyết của Hội đồng Thành viên và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Agribank cho biết, sẽ kiểm soát nợ xấu theo Thông tư 02 ở mức tối đa 3%, thu nợ sau xử lý đạt tối thiểu 12.000 tỷ đồng.

Theo thông tin của lãnh đạo các nhà băng, hiện thanh khoản của ngân hàng đang khá dồi dào, thậm chí ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay ra. Bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới.

Chẳng hạn, Sacombank cho biết, Ngân hàng đang dưa thừa khoảng 30.000 tỷ đồng nên khó duy trì lãi suất ở mức cao, song tín dụng nhà băng này nửa đầu năm nay cũng chỉ tăng gần 5%.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt trong 6 tháng đầu năm nay như VPBank, Vietcombank, TPBank... Cụ thể, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank trong 6 tháng đầu năm nay đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng ở riêng ngân hàng mẹ đạt tới 12,7%.

Với Vietcombank, tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa tổ chức, lãnh đạo nhà băng này cho biết, đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng Ngân hàng đạt trên 772.000 tỷ đồng, tăng 5% so với 2019 và là một điểm sáng về mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống ngân hàng.

Trong đó, tín dụng bán lẻ của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 7,4%, chiếm gần 52% tổng dư nợ ngân hàng và tăng thêm 1,2 điểm phần trăm so với 2019, chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát.

Thông tin từ TPBank cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến mức tăng tín dụng của toàn ngành khá thấp, hết 6 tháng, Ngân hàng mới chỉ đạt mức tăng 5% với với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2020.

Một số ngân hàng khác đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng lớn trong năm nay là OCB mục tiêu 2%, VIB dự kiến tăng 24%, MSB 20%, HDBank 16%, Sacombank 11% và đang xin nới room tín dụng lên 14%...

Theo nhận định của giới phân tích kinh tế - tài chính, khả năng tín dụng chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, tín dụng khó tăng cao và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2020.

Theo TS Lịch, cần giảm thêm lãi suất để có thể kích cầu tín dụng, kể cả với tín dụng tiêu dùng.

Vẫn cẩn trọng giải ngân vốn mới

Dù đang dư thừa thanh khoản và tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí âm, nhưng các ngân hàng vẫn cẩn trọng giải ngân vốn mới vì lo ngại nợ xấu gia tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẵn sàng cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế, trường hợp cần thiết sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn bơm ra thị trường. Tín dụng tăng thấp giúp thanh khoản VNĐ của các ngân hàng đang dồi dào, tạo điều kiện duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù thanh khoản ngân hàng hiện khá dồi dào, thậm chí nguồn vốn dư thừa, song lãnh đạo các nhà băng cho biết, việc giải ngân vốn mới cẩn trọng hơn để ngăn nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh. Các ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ và tăng trích dự phòng rủi ro.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh, nguồn vốn đang dưa thừa, tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong dịch bệnh.