Tín dụng nội bộ sẽ đẩy lùi tín dụng đen

Theo Hạnh Nhung/daibieunhandan.vn

Do khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhiều Hợp tác xã (HTX) đang dựa vào tín dụng nội bộ để hoạt động. Theo đánh giá của các HTX, tín dụng nội bộ rất phù hợp và cần được quan tâm hơn trong thời gian tới. Có tín dụng nội bộ sẽ giúp giải quyết vấn nạn tín dụng đen.

Chỉ 3,7% HTX nông nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng

Những năm qua, vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX đã từng bước được khẳng định; tuy nhiên khu vực kinh tế này vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế.

Tại Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX” ngày 28/7đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn cho biết, đến tháng 6.2020, cả nước có 18.795 HTX nông nghiệp, chiếm 70% tổng số HTX trên cả nước.

Các HTX nông nghiệp thu hút 3,2 triệu thành viên, vốn bình quân của mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng; 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển.

Hạn chế này là do thiếu quy định về số vốn bắt buộc phải đóng góp đối với các thành viên của HTX, có nhiều thành viên có tiềm lực kinh tế lại bị hạn chế góp vốn không quá 20% theo Luật HTX năm 2012. Tiếp cận chính sách tín dụng thương mại khó khăn do HTX không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế…

Với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy cho biết, trong số các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa minh bạch được tài chính và chưa có các phương án kinh doanh khả thi nên chưa xây dựng được lòng tin.  

Cần sớm khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cần sớm khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

 Nên tăng vốn góp của thành viên HTX

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp) thừa nhận, năng lực của HTX để viết một dự án khả thi (một trong những điều kiện để ngân hàng xét duyệt cho vay) là rất hạn chế. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ HTX trong việc nâng cao năng lực lập phương án sản xuất kinh doanh. Quy định về việc góp vốn thành viên cần được thảo luận trong quá trình sửa Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng tăng trần và bắt buộc thành viên phải góp vốn.

Đối với huy động vốn nội bộ, ông Đời đề xuất cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn mới, bởi Thông tư 15 quy định hoạt động tín dụng nội bộ đã hết hạn. Có tín dụng nội bộ sẽ giúp giải quyết vấn nạn tín dụng đen đang phát triển mạnh ở nông thôn.

Cùng quan điểm, Giám đốc HTX Ngọc An (Bình Định) Nguyễn Ngọc Nghiệp cho biết, hiện tại HTX chủ yếu huy động nguồn vốn góp từ các thành viên, chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. “Tín dụng nội bộ rất phù hợp, gần gũi với các thành viên, đặc biệt ở nông thôn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay qua HTX tuy nhỏ nhưng nhanh gọn so với tín dụng từ ngân hàng. Vì vậy, thời gian tới các cơ quan, ban ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các HTX, trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ”, ông Nghiệp chia sẻ.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng cần triển khai có hiệu quả Nghị định Nghị định 45/2021/NĐ-CP về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, đáp ứng nhu cầu vốn nhiều hơn so với quy mô của các HTX. Về phía HTX cần tập trung giải quyết, tháo gỡ phương pháp đánh giá định, giá tài sản thế chấp, đây là vấn đề lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về tín dụng nội bộ. Ông Toản cũng đề xuất xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó có thể số hóa việc tiếp cận tín dụng đối với khối HTX.

Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Toản nhấn mạnh cần có phương án kinh doanh phù hợp; các ngân hàng cần thay đổi "khẩu vị tín dụng" đối với lĩnh vực nông nghiệp. Các hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần được xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay. Ngoài ra, cần xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm đối với nông nghiệp.