Tín dụng tắc đầu ra, ngân hàng dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực mới
Khi cho vay trên thị trường 1 và 2 trở nên khó khăn hơn, thì nhiều ngân hàng đã chuyển hướng tín dụng sang các lĩnh vực khác như: buôn chứng khoán, bán bảo hiểm, kinh doanh trái phiếu…
Mặc dù trái phiếu là điểm đến quen thuộc của các ngân hàng, song kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhiều ngân hàng dịch chuyển mạnh dòng vốn sang kênh trái phiếu, bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD) khác và trái phiếu doanh nghiệp.
Xu hướng mới
Khảo sát từ báo cáo tài chính quý II/2020 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, khoản mục chứng khoán đầu tư tăng nhanh. Điển hình một số ngân hàng như: Vietcombank, MB, VPBank…
Trong báo cáo tài chính quý II/2020 của TPBank cho thấy, tính đến cuối tháng 6, nhà băng này đang nắm giữ 11,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng gấp đôi so với đầu năm. Cùng với đó, trái phiếu doanh nghiệp của TPBank cũng tăng gấp 2,2 lần, lên 10,45 nghìn tỷ đồng.
Tổng lượng chứng khoán sẵn sàng để bán của ngân hàng theo đó đã lên mức hơn 38 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020, tăng 46,6% so với đầu năm.
Tương tự, tại VPBank, tính đến cuối tháng 6, tổng lượng trái phiếu mà ngân hàng này nắm giữ đã lên tới hơn 75,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm và chiếm tới 18,9% tổng tài sản ngân hàng. Trong đó, chỉ tính riêng lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đã mua vào đã lên tới 27,83 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Ở một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu mua từ các TCTD tăng so với cuối năm 2019. Ví dụ, báo cáo tài chính của Vietcombank ghi nhận ngân hàng đang nắm hơn 18.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành.
Trong khi khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn cũng có 45.569 tỷ đồng chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành. Theo đó, tổng lượng trái phiếu của các TCTD khác mà Vietcombank đang nắm giữ ở mức 63.575 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm và chiếm 5,36% tổng tài sản ngân hàng, so với tỷ trọng 4,98% hồi đầu năm.
Tại MB, mặc dù chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán giảm nhẹ 10% xuống 20,4 nghìn tỷ đồng, nhưng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành lại tăng tới 82%, lên hơn 22,1 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thu hẹp sản xuất kinh doanh, nên nhu cầu vốn giảm.
Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng mới chỉ ở mức 3,26% so với đầu năm, giảm mạnh so với mức tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2019. Vì vậy đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn khi lãi suất liên tục giảm sâu, thậm chí có thời điểm tiến sát về mức 0%/năm. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 31/7, lãi suất qua đêm ở mức 0,21%/năm; 1 tuần là 0,30%/năm, 2 tuần là 0,37%/năm; ở kỳ hạn 1 tháng là 0,61%/năm và 3 tháng là 2,71%/năm.
Vì vậy, các ngân hàng phải dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác nhằm đạt mục tiêu lợi nhuận.
Lãi suất trái phiếu hấp dẫn
Các chuyên gia cho rằng, trong các kênh đầu tư hiện nay như: buôn chứng khoán, bán bảo hiểm, kinh doanh trái phiếu…, thì lãi suất trái trái phiếu có sức hấp dẫn hơn.
MB cho biết, trái phiếu do các TCTD khác phát hành có kỳ hạn từ 9 tháng đến 5 năm, với lãi suất từ 5,7% đến 9,5%/năm. Trong khi đó, trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành có kỳ hạn từ 1 năm đến 14 năm với lãi suất từ 8% đến 11,4%/năm.
Rõ ràng, mức lãi suất này hấp dẫn hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc những ngân hàng thừa vốn sẽ muốn tìm kênh đầu tư khác để tối ưu hóa việc sử dụng vốn là hoàn toàn bình thường.
Trái phiếu do các ngân hàng phát hành có lẽ là một lựa chọn hợp lý vì có lãi suất cao hơn trái phiếu Chính phủ, rủi ro thấp hơn trái phiếu doanh nghiệp và điều quan trọng là không bị tính vào dư nợ tín dụng như trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt khi NHNN gần đây cũng đã cảnh báo hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt của các ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể lựa chọn phương án sau khi đầu tư vào trái phiếu của các TCTD khác thì sẽ tìm cách phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân, những khách hàng gửi tiền tại ngân hàng mình, theo cách thức tương tự như mua sỉ trái phiếu doanh nghiệp và bán lẻ lại cho khách hàng cá nhân để ăn chênh lệch lãi suất.
Cùng với đó, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ dù lãi suất thấp hơn trái phiếu TCTD, nhưng lại là kênh đầu tư khá an toàn cho các nhà băng. Đây cũng chính là lý do mà các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần đây có tỷ lệ thành công rất cao, thậm chí có phiên huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu ban đầu lẫn lượng phát hành thêm.
Đơn cử như phiên đấu thầu ngày 15/7, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 15.600 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tổng số 17.250 tỷ đồng gọi thầu, tỷ lệ thành công tới 90%.
Trước đó phiên ngày 8/7, Kho bạc đã huy động được toàn bộ 19.500 tỷ đồng gọi thầu. Tính chung chỉ qua 3 phiên đấu thầu trong tháng 7, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tới 33.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, lớn hơn toàn bộ các tháng từ đầu năm.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng liên tục giảm. Hiện lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm chỉ còn 1,92%/năm, 10 năm là 2,78%/năm; 15 năm là 2,99%/năm; 20 năm là 3,34%/năm và 30 năm là 3,5%/năm.