Tín hiệu vui từ chính sách…

MINH HÀ

(Tài chính) Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã liên tục đón nhận tín hiệu tích cực từ những chính sách, lượng hàng tồn kho giảm, tính thanh khoản được cải thiện đáng kể, giá nhà đất ổn định hơn…

Thị trường sẽ phục hồi vững chắc hơn vào cuối năm nay và đầu năm sau. Nguồn: internet
Thị trường sẽ phục hồi vững chắc hơn vào cuối năm nay và đầu năm sau. Nguồn: internet

BĐS đã “ngấm” chính sách?

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Song hành với các chính sách đã được Nhà nước ban hành trong năm 2013 như: Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định số 15/2013/NĐ- CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ hỗ trợ thị trường BĐS chính thức được giải ngân…

Bên cạnh đó, thị trường BĐS đã đón nhận thêm các chính sách mới với mục đích tiếp tục gỡ “nút thắt” để khơi thông thị trường BĐS. Ví dụ: Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014; Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày 25/4/2014, hướng dẫn về thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Thông tư số 48/2014/TT-BTC ngày 22/4/2014, hướng dẫn thực hiện việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Trong các chính sách trên, có thể dẫn chứng đơn cử như Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN - BXD-BTP-BTNMT có hiệu lực từ ngày 25/4/2014, đến nay, sau 3 tháng đã tác động tích cực lên thị trường BĐS. Theo đó, Thông tư này quy định, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS thế chấp để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì DN phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở trong dự án đó cho tổ chức, cá nhân. Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng của DN. Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo quy định tại Thông tư này thì không được tiếp tục thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó. Hợp đồng thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định…

Khép lại 6 tháng đầu năm 2014, dường như thị trường BĐS đã “ngấm” chính sách với những chuyển biến tích cực hơn như: thanh khoản cải thiện rõ rệt, tồn kho giảm mạnh, giá nhà đất đã ổn định hơn, giao dịch nhà đất đã tăng trở lại… Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/6/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS là khoảng 83.000 tỷ đồng, giảm trên 35% so với quý I/2014. Trong đó, sản phẩm BĐS tồn kho tại Hà Nội giảm 36% và TP. Hồ Chí Minh giảm đến 45%. Có được những kết quả này, không thể không kể đến những chính sách hỗ trợ kịp thời trong thời gian qua của Nhà nước đối với thị trường BĐS, trong đó nhiều chính sách đã được thực thi, đi vào thực tế từ năm 2013 đến nay.

“Nhìn vào thị trường BĐS hiện nay, đúng là có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều thông tin tốt. Đấy chính là những kết quả tất yếu sau khi các chính sách hỗ trợ thị trường được ban hành, áp dụng vào thực tế”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.

Tiếp tục đón nhận chính sách mới…

Trong những chính sách mới được ban hành có thể thấy, Luật Đất đai, sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 được quan tâm, đón nhận hơn cả. Để Luật này nhanh chóng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 45/2014/NĐ- CP quy định về thu tiền sử dụng đất; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định số 47/2014/NĐ- CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và Thông tư 77/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 46/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) quy định đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi, đồng thời khắc phục có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên dư luận xấu trong xã hội…

Đánh giá về những quy định của Luật này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những đổi mới trên là hợp lý để tạo bình đẳng trong tiếp cận đất đai giữa các DN vừa và nhỏ với các DN lớn, giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), sắp tới sẽ có nhiều văn bản có tác động tích cực đến thị trường song hành cùng Luật Đất đai, sửa đổi năm 2013. Điển hình như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với nhiều đổi mới nhằm giảm bớt về thủ tục và quy định về diện tích nhà ở. Ngoài ra, việc mở rộng quyền sở hữu nhà cho Việt kiều và người nước ngoài cũng như việc cho DN nước ngoài được đi thuê để cho thuê lại và nhận chuyển nhượng các dự án của các chủ đầu tư trong nước… được kỳ vọng sẽ tạo ra một “cú hích” đối với thị trường BĐS trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù thị trường BĐS hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng thị trường đang tiếp tục đón nhận các chính sách mới, với hy vọng tăng tính thanh khoản cho thị trường từ những sản phẩm có nhu cầu thật.

Dự báo về thị trường BĐS, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh nhận định, thị trường sẽ phục hồi vững chắc hơn vào cuối năm nay và đầu năm sau, nếu Chính phủ sớm có các chính sách, biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc xử lý nợ xấu!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2014