Tổng dư nợ tín dụng tại Hà Nội đạt 1,9 triệu tỷ đồng
Tính đến hết quý I/2019, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội ước đạt 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm khoảng 27%.
Sáng 16/4, tại Hà Nội, Ngân hàngNhà nước phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Sự kiện nằm trong chuỗi các Hội nghị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tếcủa từng địa phương.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63% (tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 3,16%), tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Riêng tại Hà Nội, đến hết quý I/2019 tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 308.344 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 523.260 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2014 đến nay trên toàn quốc, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195.000 doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tưsản xuất kinh doanh nhưng khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.
Một bài toán khó hiện nay là do doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến ngân hàng.Nhiều doanh nghiệp không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự ánkhả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Ông Thân cho rằng, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV, thiết kế lại điều kiện cho vay với những doanh nghiệp có tiềm năng, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch CTCP Dầu khí Sơn Hải cho rằng, gói tín dụng ngắn hạn dưới 1 tháng là rất phù hợp, các ngân hàng có thể xem xét thiết kế các gói tín dụng cho doanh nghiệp theo ngành. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp đảm bảo dựa trên uy tín, tài sản hình thành từ vốn vay, sàng lọc các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm, nộp ngân sách đầy đủ để cho vay tín chấp.
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.