TP. Hồ Chí Minh “hút” vốn FDI nhiều nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ vào số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong 11 tháng với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 3,5 tỷ USD.
Tổng vốn FDI tăng 3,3% so với cùng kỳ
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh là 3,54 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Về dự án cấp mới, toàn Thành phố có 807 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký đạt 477 triệu USD. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với vốn đăng ký là 163,2 triệu USD, chiếm 34,2%; kế đến là hoạt động thông tin và truyền thông có vốn đăng ký là 138,6 triệu USD, chiếm 29,0%; hoạt động chuyên môn, khoa học có vốn đăng ký 87,2 triệu USD, chiếm 18,2%.
Về điều chỉnh vốn đăng ký có 164 lượt dự án với số vốn tăng 1.555,6 triệu USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 18 dự án với vốn đăng ký 915,0 triệu USD, chiếm 58,8% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 21 dự án, vốn đăng ký 278,1 triệu USD, chiếm 17,9%
Về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp, có 2.219 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 1.506,5 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 617,2 triệu USD, chiếm 41,0% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 291,7 triệu USD, chiếm 19,4%; hoạt động kinh doanh bất động sản 225,2 triệu USD, chiếm 14,9%.
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, Singapore là quốc gia dẫn đầu với 148 dự án, vốn đăng ký đạt 159,1 triệu USD, chiếm đến 33,3% vốn đăng ký cấp mới; kế đến là Nhật Bản với vốn đăng ký 80,1 triệu USD, chiếm 16,8%; Hàn Quốc với 112 dự án, vốn đăng ký đạt 54,9 triệu USD, chiếm 11,5%.
Đồng thời, Singapore cũng là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 11 tháng năm 2022 đạt 1.169,4 triệu USD, chiếm 75,2% vốn đăng ký điều chỉnh.
“Sức hút” lớn của các thành phố trực thuộc Trung ương
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ cũng là những địa phương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư.
Đối với Hà Nội, đã có 42 dự án FDI được cấp phép mới trong tháng 11 với tổng vốn đăng ký đạt 20,7 triệu USD; 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 217,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 26 lượt, đạt 20,4 triệu USD.
Toàn Thành phố thu hút 1,54 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượng dự án đăng ký cấp mới là 328 dự án với số vốn đạt 206 triệu USD; 181 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 791 triệu USD; 356 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 543 triệu USD.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú khẳng định, đây là kết quả tích cực, giúp Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Trong khi đó, 11 tháng qua, TP. Hải Phòng có 80 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đạt 1.037,78 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 36 dự án, với số vốn tăng là 881,52 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tại TP. Đà Nẵng, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính chung 11 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 132,8 triệu USD, bằng 81,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến thời điểm cuối tháng 11 năm 2022, trên địa bàn TP. Cần Thơ, có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.223,11 triệu USD.