Trên 90% tổng nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm

PV.

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho rằng: Việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm (TSBĐ) đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan.

Đặc biệt, chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ TSBĐ. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh…

“Các ý kiến tham luận, trao đổi, kiến nghị tại Hội thảo là kênh thông tin quan trọng giúp NHNN, các cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, tạo lập khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của mình...”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Còn khá nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm

Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng TSBĐ chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, khâu xử lý TSBĐ của các TCTD gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu. Trao đổi và thảo luận của giới chuyên gia tại Hội thảo cho thấy, hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu các quy định pháp luật; nhiều quy định về xử lý TSBĐ không phù hợp, không đồng bộ, mâu thuẫn; thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của cơ quan liên quan thi hành pháp luật gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý TSBĐ.

Nhìn nhận vấn đề quyền xử lý TSBĐ, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Bản chất kinh tế của quyền xử lý TSBĐ tại TCTD là quyền đối với TSBĐ nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Nhưng khi các TCTD xử lý TSBĐ thì quan hệ với người đi vay không những thiếu đi sự hợp tác cần thiết, mà có khi còn chuyển sang đối đầu, thậm chí mâu thuẫn xung đột gay gắt…

“Quyền xử lý TSBĐ chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiệu lực khi và chỉ khi nhận thức về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng ngân hàng được xác lập một cách đúng đắn dựa trên những cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế…”, ông Ánh nhấn mạnh.

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm

Tiếp cận vấn đề dưới góc độ pháp luật qua tham luận “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD - dưới góc nhìn của pháp luật”, Luật sư Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Pháp chế Ngân hàng Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD” là một loại quyền dân sự. Do đó, các TCTD được thực hiện quyền xử lý TSBĐ theo ý chí của mình với điều kiện tiên quyết là không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được lạm dụng quyền gây thiệt hại cho người khác, không vượt quá giới hạn việc thực hiện quyền đó…

Đi vào những vấn đề cụ thể hơn, đại diện một số ngân hàng cũng cho rằng họ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhận TSBĐ là nhà ở. Nhiều quy định của pháp luật hiện hành thiếu các hướng dẫn cụ thể về nội dung xử lý TSBĐ dẫn đến việc khi các TCTD nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì việc xử lý TSBĐ có thể dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài, gây khó khăn, lúng túng cho các TCTD trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian thi hành án không chỉ tốn kém chi phí, mà còn kéo dài thời gian thu nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của TCTD.

Cùng với việc phản ánh, thảo luận về nhiều bất cập trong các quy định hiện hành và thực tế của các TCTD trong xử lý TSBĐ, Hội thảo ghi nhận nhiều kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý TSBĐ của cơ quan tư pháp các cấp.

Các diễn giả cho rằng, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi. Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ.

Điều này, cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ. Đồng thời, các tham luận tại Hội thảo cũng kiến nghị, Bộ Tư pháp cần phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Toà án Nhân dân Tối cao trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý TSBĐ.

Bộ Luật Dân sự năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về việc thu giữ TSBĐ. Do vậy, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn chi tiết về quyền của bên nhận bảo đảm đối với việc xử lý TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác…