Trên bước đường đến với Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015
(Tài chính) Trong vòng chỉ khoảng một năm nữa thì ASEAN, khu vực với tổng dân số 600 triệu người, sẽ trở thành một thị trường thống nhất. Dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, đầu tư, chuyên gia và những động thái hợp tác khu vực sẽ được tự do khơi thông.
Cơ hội rộng lớn
Cơ hội khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể tóm tắt trong 4 trụ cột chính: thị trường đơn nhất tự do khỏi mọi rào cản, tăng tính cạnh tranh khu vực, dòng chảy tự do hàng hóa và vốn và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình cộng đồng kinh tế – an ninh – xã hội theo kiểu Liên minh châu Âu. Kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nếu được thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm vào khoảng 2.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu; và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.
AEC ra đời dự kiến sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam. DN sẽ có cơ hội mở rộng thị trường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, với hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ. Doanh nghiệp còn có thể tận dụng những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã kí kết với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand như ưu đãi thuế quan 0%, cũng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sắp xây dựng.
Thương mại nội khối cũng sẽ được củng cố và tạo điều kiện phát triển. Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số dòng thuế linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế).
Các lĩnh vực hợp tác để chuẩn bị hình thành AEC dự kiến sẽ bao trùm lên nhiều lĩnh vực, từ phát triển nguồn nhân lực đến trao đổi chuyển gia; hợp tác tư vấn quản lí kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính; các biện pháp tài trợ thương mại; tăng cường cơ sở hạ tầng và trao đổi thông tin liên lạc… Tại thời điểm này, các quốc gia ASEAN đang ở vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) vào cuối năm 2015.
Công cuộc chuẩn bị
Philippines cho rằng cần cải thiện thêm một số lĩnh vực như kết nối quốc gia, cơ sở hạ tầng, logistics và giao thông vận tải. Việc chuẩn bị còn bao gồm cả việc phát triển hệ thống thanh toán điện tử thông qua e-ASEAN, hội nhập giữa các ngành nghề trong khu vực để thúc đẩy cung ứng hàng hóa khu vực và củng cố lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Indonesia sẽ hình thành một ủy ban độc lập để đảm bảo và tăng cường mức độ cạnh tranh của hàng hóa Indonesia trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Ủy ban này sẽ chú trọng xúc tiến phát triển các ngành nghề mà Indonesia có thế mạnh.
Tại Thái Lan, các chuyên gia cho rằng điểm chú trọng cần củng cố là chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn vốn nhân lực. Thái Lan lo ngại hội nhập sẽ làm nổi rõ lên những thiếu hụt về trình độ và kĩ năng của nguồn nhân lực. Thái Lan đang tiến hành nhiều chương trình củng cố nguồn nhân lực, như khuyến khích tăng cường đào tạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, cho học sinh.
Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nước để xây dựng cơ chế vận hành và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR). Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất, thương mại trong khu vực. Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các biện pháp khác để thực hiện cam kết về dịch vụ và đầu tư trong ASEAN để hướng tới hình thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung.
Thực hiện Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm cơ chế một cửa quốc gia, ngày 26/2/2014, Việt Nam đã chính thức khởi động hệ thống một cửa quốc gia với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan). Các bộ, ngành có liên quan khác cũng đang chuẩn bị các công việc phục vụ kết nối giai đoạn 2 của Quyết định 48/2011/QĐ-TTg nêu trên. Việt Nam đang cân nhắc để tham gia dự án tự chứng nhận xuất xứ số 2 trong ASEAN.