Triển khai thành công Đề án 996 về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam
2022 là một năm thực hiện thành công của Đề án 996, một năm xây dựng thành công về khung pháp lý, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo nguồn nhân lực để triển khai Đề án 996; về mô hình điểm xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; về so sánh liên phòng,…
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 996/QĐ-TTg về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tính đến nay đã được 4 năm, tuy nhiên thời gian qua chúng ta đã phải trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 do vậy việc thực hiện Đề án không trách khỏi bị ảnh hưởng và thực chất triển khai Đề án mới được triển khai mạnh mẽ bắt đầu từ đầu năm 2022.
Giai đoạn 2019 đến 2021, chúng ta chủ yếu là tuyên truyền phổ biến nội dung của Đề án và ban hành được một số văn bản hướng dẫn như: Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 Phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Năm 2022, ngay từ đầu năm việc triển khai của Đề án 996 như có thêm được “luồng khí mới” với các hoạt động của Đề án lần lượt được triển khai . Trong đó nổi bật là việc tổ chức thành công 3 Hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo Đo lường tại doanh nghiệp” tập trung cho đối tượng là Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Trung tâm Ứng dụng / Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2022. Hoạt động này được mọi người quan tâm và hưởng ứng tham gia vượt xa mong đợi của ban tổ chức với số lượng người tham gia ở miền Bắc hơn 110 người, miền Trung hơn 90 người, miền Nam hơn 120 người.
Việc tổ chức thành công hội nghị này đã giúp lãnh đạo các cơ quan liên quan trong cả nước hiểu rõ về Đề án 996, cách thức thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết khó khăn và tận dụng lợi thế của các tỉnh trong cả nước, đồng thời giúp cho các cơ quan chuyên môn của Tổng cục điều chỉnh các chuyên đề có liên quan giúp cho việc triển khai đề án có hiệu quả hơn, đề xuất nhiều hoạt động triển khai tiếp theo.
Có thể nói, năm 2022 là một năm thực hiện thành công của Đề án 996. Theo đó, chúng ta đã xây dựng thành công về khung pháp lý, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo nguồn nhân lực để triển khai Đề án 996; về mô hình điểm xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; về so sánh liên phòng,… và đang dần hình thành một phong trào về Đảm bảo đo lường trong cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng với sự hội nhập mạnh mẽ về kinh tế toàn cầu, về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bước sang năm 2023, để tiếp tục triển khai Đề án 996, Tổng cục Đo lường chất lượng sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo cán bộ và chuyên gia tư vấn xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường cho các địa phương.
Đồng thời, triển khai mô hình điểm xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại một số địa phương có chương trình ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh,…; ưu tiên xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường đối với cơ sở sản xuất hàng đóng gói sẵn đối với sản phẩm đặc thù, có giá trị cao ở các địa phương, vùng miền;
Toàn ngành cũng sẽ tích cực triển khai các nội dung trong Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trọng tâm là đào tạo cán bộ cho 5 Tổng công ty Điện lực; triển khai thí điểm Chương trình đảm bảo đo lường đối với đơn vị kinh doanh điện, đơn vị kiểm định PTĐ điện, đơn vị sản xuất PTĐ điện...
Ngoài ra, Tổng cục Đo lường chất lượng cũng sẽ triển khai ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tổ chức so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường đối với một số lĩnh vực như thời gian, nhiệt, khối lượng; thực hiện đồng bộ chuẩn thời gian trong lĩnh vực chứng khoán...