Trình Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thời gian thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ ngay từ ngày 1/7/2020 năm nay, thay vì ngày 01/01/2021 như đề xuất trước đó.
Dự kiến, Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.
Theo kiến nghị của Bộ Tài chính, dự kiến thuế suất với DN nhỏ và siêu nhỏ từ 15-17%, tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN; đồng thời, cho phép miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Theo đó, việc miễn, giảm thuế, phí và lệ phí được kỳ vọng là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN, nhất là đối với những đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ Tài chính cho biết, với việc miễn giảm thuế cho DN nhỏ, siêu nhỏ như dự thảo, sẽ có khoảng 700 nghìn DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước, được hưởng lợi. Ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỉ đồng.
Hiện, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành về việc giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN…Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỉ đồng.
Trước đó, để hỗ trợ các DNNVV, trong đó có cả DN siêu nhỏ, tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016, Chính phủ đã quy định miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu đối với DNNVV chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV) và miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến 31/12) đối với tổ chức thành lập mới; Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh …