Trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây mới 6 chung cư cũ

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Vừa qua, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố và các Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư thống nhất bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ trong năm 2022.

Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ khởi công xây mới 14 chung cư cũ cấp D trong năm 2022.
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ khởi công xây mới 14 chung cư cũ cấp D trong năm 2022.

Theo thông tin, ngày 17/1, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) cho biết, đã có báo cáo giải quyết vướng mắc thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở gửi UBND Thành phố. Đáng chú ý, báo cáo đề cập TP.HCM sẽ xây mới 6 chung cư cũ trong năm 2022, trong đó có 2 chung cư cấp D (nguy hiểm).

Theo đó, quận 1 có chung cư 128 Hai Bà Trưng quy mô 200 căn và chung cư 23 Lý Tự Trọng với 160 căn. Quận Tân Bình có 2 chung cư ở số 251 và 350 Hoàng Văn Thụ, quy mô lần lượt là 176 và 374 căn.

Tại Quận Bình Thạnh có lô 4-6 chung cư Thanh Đa, với 1.750 căn. Quận 3 có chung cư 239 Cách mạng tháng Tám quy mô 268 căn. Tổng số căn hộ của 6 chung cư này là 2.928 căn. Các chung cư đã thực hiện xong di dời người dân, riêng chung cư 251 Hoàng Văn Thụ đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Liên quan đến việc cải tạo chung cư cũ, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về các khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

UBND Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất trong thực hiện các phương án bồi thường, tái định cư tại các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Chấp thuận chi hỗ trợ bằng tiền cho người đang thuê các căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước mà không có nhu cầu tái định cư để tự lo chỗ ở mới bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà ở đang thuê.

Nguyên nhân khiến việc cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM kém khả quan do có nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách.

Ví dụ, theo quy định, đối với chung cư cấp D phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ, nhưng cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư, nên chưa tạo được sự đồng thuận.

Về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang bị chồng chéo giữa khoản 4 điều 29 Luật Đầu tư 2020, điểm b khoản 1 điều 119 Luật Đất đai, Nghị định 69/2021/NĐ-CP và khoản 2 điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Mặt khác, TP.HCM có một số chung cư cần xây dựng lại có khuôn viên diện tích đất nhỏ (dưới 1.000 m2), dù đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhưng vẫn không đảm bảo tính khả thi để đầu tư xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư. Tuy nhiên, Nghị định 69/2021/NĐ-CP không có quy định cụ thể xử lý nhà, đất đối với trường hợp này.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân tại các điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công và vị trí khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi chức năng quy hoạch và chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức đấu giá theo quy định.