Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PV.

(Tài chính) Nhằm đánh giá tình hình và kết quả cơ cấu lại nền kinh tế theo Kết luận số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, chiều 08/7/2014, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đánh giá tình hình cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2011 - 2013 và cập nhật tình hình thực hiện đến 30/6/2013.

Đồng chí Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: financeplus.vn
Đồng chí Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: financeplus.vn

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình triển khai, kết quả đạt được việc thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam qua các năm; những hạn chế và khó khăn vướng mắc về việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm 2014; đặc biệt là về tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm 2014.

Đồng thời, buổi làm việc cũng đánh giá việc triển khai thực hiện định hướng và giải pháp cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam về đối tượng phục vụ; chỉ tiêu an toàn tài chính; về công tác quản trị ngân hàng, nguồn nhân lực, công nghệ, mạng lưới, đầu tư; về tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng giai đoạn 1; đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân chưa làm được về xử lý nợ xấu thời gian qua. Những vấn đề nổi lên trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm 2014. VDB đã tích cực triển khai huy động vốn, đạt và vượt kế hoạch được giao, trong đó năm 2011 đạt 101% kế hoạch và năm 2012 đạt 99,7% kế hoạch, năm 2013 đạt 100% kế hoạch, sáu tháng đầu năm 2014, tranh thủ cơ hội thuận lợi của thị trường VDB đã triển khai huy động vốn ngay từ những tháng đầu năm, đáp ứng yêu cầu giải ngân của các dự án và trả các khoản nợ đến hạn, luôn đảm bảo khả năng thanh toán lành mạnh, không phải yêu cầu có sự hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách chậm tiền cấp bù lãi suất. Tăng trưởng dư nợ bình quân của VDB giai đoạn 2011 - 2013 đạt bình quân 10%/năm. Một số lĩnh vực VDB tập trung đầu tư những năm vừa qua là lĩnh vực đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hỗ trợ địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, và tín dụng xuất khẩu.

Kết quả đầu tư đã tăng thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế, cụ thể là góp phần tăng công suất phát điện 8.000 MW; xây dựng mới hơn 7.000 km đường dây truyền tải điện, hàng trăm trạm biến áp; Hoàn thành việc cho vay 1.000 triệu USD đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn/năm đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả; Hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng gió; Đầu tư đưa hai dự án vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2 vào hoạt động, có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng; Đáp ứng yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp với 1,5 triệu tấn phân bón các loại (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 và DAP số 2). Đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của công nghiệp đóng tàu, các thiết bị nâng hạ phục vụ công nghiệp đóng tàu và hệ thống triển đà, nhà xưởng của nhiều cơ sở đóng tàu (Hạ Long, Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng, Bến Kiền, Dung Quất…).

Xây dựng trên 100.000 km kênh mương, hàng ngàn km đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng của hơn 900 cụm tuyến dân cư. Đầu tư 208 dự án phục vụ an sinh xã hội (trường học, bệnh viện, xử lý nước thải, xử lý rác thải, sản xuất và cung cấp nước sạch (1.000.000 m3/ngày đêm) và nhà ở cho người thu nhập thấp…). Trên 70% vốn vay được hỗ trợ cho địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Thực hiện tốt nhiệm vụ  hỗ trợ cho các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, thủy điện, khai thác khoáng sản…

Báo cáo nhanh với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Trần Bá Huấn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động được 11.780 tỷ đồng (trong đó phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 9.987 tỷ đồng) và 50 triệu USD từ khoản vay SMBC-City cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đảm bảo đủ vốn thanh toán theo tiến độ các dự án/khoản vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, trả nợ vốn huy động đến hạn và các nhu cầu sử dụng vốn khác.

Về giải ngân tín dụng đầu tư: Đã giải ngân gần 6.000 tỷ đồng đáp ứng theo yêu cầu tiến độ của các chủ đầu tư. Đã thẩm định và chấp thuận thông báo cho vay 11 dự án với số tiền gần 3.500 tỷ đồng. Đã có 8 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có 02 dự án nhóm A thuộc Tổng Công ty truyền tải điện (đường dây 500KV Quảng Ninh - Hiệp Hòa và đường dây 500KV Pleiku- Mỹ Phước-Cầu Bông).

Về tín dụng xuất khẩu: Dư nợ bình quân đạt khoảng 83% kế hoạch dư nợ bình quân năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ giao, do Ngân hàng Phát triển Việt Nam tập trung vào xử lý các khoản nợ có vấn đề và các điều kiện tín dụng xuất khẩu hiện nay không ưu đãi hơn so với các ngân hàng thương mại; bổ sung và tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm tiền vay tại 13 doanh nghiệp với mức tăng từ 5% đến 10%;  phối hợp với cơ quan thuế, chính quyền địa phương, ngân hàng thương mại, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để theo dõi dòng tiền, quản lý vốn vay và tài sản bảo đảm tiền vay.

Về vốn ODA cho vay lại: trong 6 tháng đã giải ngân ODA 19.400 tỷ đồng, bằng 169% kế hoạch năm đưa dư nợ lên 129.620 tỷ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang quản lý vốn và thực hiện cho vay đảm bảo tiến độ theo kế hoạch giải ngân các dự án an sinh xã hội về giáo dục, y tế, xử lý rác và chất thải rắn, Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, Chương trình Kiên cố hóa kênh mương, và các dự án điện trọng điểm của quốc gia: Thủy điện Lai Châu, Ban Chát, Huội Quảng, dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1...

Biểu dương những kết quả đạt được của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong thời gian qua, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã xây dựng được đề án Chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất quan trọng, có ý nghĩa như một đề án tái cơ cấu để Ngân hàng Phát triển Việt Nam bám sát thực hiện. Trong thời gian vừa qua, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong việc cơ cấu lại và tái cơ cấu lại nợ xấu, đặc biệt có những phần từ khi mới thành lập (từ thời còn là Tổng cục đầu tư).

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay mặt Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đây là cơ sở quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những chủ trương, chính sách để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng phòng ngừa rủi ro, tiếp tục củng cố và phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo hướng bền vững, hiệu quả, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ

Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng trực thuộc Chính phủ, được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước; vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc hỗ trợ của tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước từng bước được khẳng định, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.