Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh:
Truyền thông là nhân tố “then chốt” phát triển người tham gia BHXH tự nguyện
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, trong hai năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, gấp nhiều lần so với hơn 10 năm trước đó. Để có được kết quả tích cực này, công tác truyền thông đóng vai trò then chốt, quyết định đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người dân phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Để truyền tải ý nghĩa nhân văn trên đến người dân, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách BHXH được coi là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, cũng như góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, trong giai đoạn này, ngành BHXH Việt Nam đã có những giải pháp đổi mới mang tính bước ngoặt trong công tác truyền thông, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể, ngành BHXH đã thực hiện đổi mới về nội dung truyền thông. Căn cứ vào từng nội dung truyền thông cụ thể để chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến (trích dẫn các văn bản) sang nội dung truyền thông ngắn gọn, súc tích (xây dựng các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ).
Tăng cường truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách BHXH. Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh truyền thông trước - trong - sau sự kiện/sự việc/chiến dịch truyền thông.
Cùng với đó là hình thức, kênh truyền thông cũng được không ngừng đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, trong giai đoạn này, linh hoạt ứng biến trước tình hình khó khăn do dịch COVID-19 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tận dụng lợi thế của truyền thông trực tuyến, hiện đại, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác truyền thông với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về các loại hình BHXH ngày một tăng cao.
Song song với đó, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại.
Theo đó, Ngành đã sản xuất và phát hành các Infographic, Motion graphics và video lan truyền để truyền thông về quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, lan tỏa các thông điệp về tính nhân văn của các chính sách BHXH. Đây là dấu ấn đổi mới nổi bật trong công tác sản xuất, phát hành sản phẩm truyền thông của Ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác truyền thông theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, cũng như xu thế truyền thông mới trong thời đại số.
Đặc biệt, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình của Ngành cũng đã phát huy tối đa và hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến các hoạt động truyền thông trực tiếp phải hạn chế, giảm thiểu.
Truyền thông - “Chìa khóa” phát triển BHXH tự nguyện
Có thể khẳng định, công tác truyền thông chính sách của ngành BHXH Việt Nam trong những năm qua đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện kịp thời đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động.
Đánh giá về kết quả đạt được trong công tác truyền thông thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình… được đăng tải/phát sóng về các lĩnh vực BHXH tăng đều qua các năm. Trong đó, có rất nhiều tin, bài, phóng sự, chương trình… phản ánh, làm rõ về lợi ích, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện giúp người dân, người lao động tự do hiểu và tích cực tham gia.
Nhiều phóng sự, bài viết được thể hiện sinh động qua các dạng bài báo chí hiện đại (Megastory/Emagazine, Infographic…) đã giúp các sản phẩm truyền thông về BHXH trở nên hấp dẫn, thân thiện và dễ tiếp cận tới độc giả.
Việc phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2020, qua công tác phối hợp này đã có khoảng 120 hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tư vấn, đối thoại… truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế được tổ chức, thu hút khoảng 24.000 lượt người tham dự. Trong đó, nhóm người truyền thông được hướng đến là nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã…
Tại địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị truyền thông về BHXH tự nguyện theo nhóm nhỏ đến các cụm dân cư, hộ gia đình tùy tình hình dịch COVID-19; các lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Trong năm 2020, toàn quốc đã tổ chức được trên 26.000 hội nghị truyền thông về BHXH, thu hút khoảng 1,4 triệu người tham gia. Sang năm 2021, hình thức này tiếp tục được tăng cường trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn.
Những hiệu ứng truyền thông tích cực trên đã lan tỏa kịp thời đến người dân tại các địa phương, nhờ đó số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia BHXH tự nguyện; năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người; đến năm 2020 có trên 1,128 triệu người, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra.
Trong năm 2021, tuy công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng tính đến đầu tháng 11, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn đạt hơn 1,2 triệu người.
Như vậy, có thể thấy, kết quả phát triển BHXH tự nguyện thời gian qua tiếp tục khẳng định rõ nét vai trò “then chốt” của công tác truyền thông chính sách BHXH trong phát triển hiệu quả người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua.
Những hiệu ứng truyền thông tích cực trên đã lan tỏa kịp thời đến người dân tại các địa phương, nhờ đó số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia BHXH tự nguyện; năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người; đến năm 2020 có trên 1,128 triệu người, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra.
Trong năm 2021, tuy công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng tính đến đầu tháng 11, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn đạt hơn 1,2 triệu người.