Túi ni lông chịu mức trần trong khung thuế bảo vệ môi trường

Thùy Linh

Trước kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh về việc nghiên cứu tăng thuế đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông nhằm giảm lượng chất thải khó phân hủy, Bộ Tài chính đã có phản hồi chính thức, khẳng định túi ni lông hiện đã chịu mức thuế cao nhất theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường và sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh trong tương lai.

Túi ni lông được quy định là mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường với mức thuế hiện tại là 50.000 đồng/kg, đây là mức trần trong khung thuế bảo vệ môi trường.
Túi ni lông được quy định là mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường với mức thuế hiện tại là 50.000 đồng/kg, đây là mức trần trong khung thuế bảo vệ môi trường.

Cử tri tỉnh Bắc Ninh đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính qua Ban Dân nguyện, đề xuất nghiên cứu việc đánh thuế cao hơn đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải khó phân hủy này gây ra.

Trong văn bản phản hồi, Bộ Tài chính đã nêu rõ các quy định hiện hành về thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, túi ni lông được quy định là mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường với mức thuế hiện tại là 50.000 đồng/kg, đây là mức trần trong khung thuế bảo vệ môi trường.

Để tăng mức thuế này, Bộ Tài chính cho biết cần có sự điều chỉnh trong khung mức thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, dựa trên đánh giá mức độ gây ô nhiễm của túi ni lông và đề xuất về biểu khung và mức thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Báo cáo số 71/BC-CP ngày 16/3/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong đó có báo cáo về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bảo vệ môi trường và đề xuất xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự kiến đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2026, trình Quốc hội cho kiến tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường để đề xuất hoàn thiện chính sách thuế bảo vệ môi trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường và đặt trong tổng thế Chiến lược Cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.