Tương lai nào cho lao động giản đơn?

Theo Khanh Đoàn/thoibaonganhang.vn

Lao động trong nền kinh tế chỉ “vàng” về số lượng chứ chưa “vàng” về chất lượng.

Ứng dụng công nghệ là cách hiệu quả để tăng năng suất. Nguồn: Internet
Ứng dụng công nghệ là cách hiệu quả để tăng năng suất. Nguồn: Internet

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã bắt đầu tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm ngày càng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Vấn đề mà lâu nay chúng ta vẫn thường đặt ra là các yêu cầu, tiêu chuẩn, giải pháp cho lao động Việt Nam để thích ứng với cuộc cách mạng này. Trong khi đó nhìn ở một góc cạnh khác, vấn đề vị thế và cầu lao động giản đơn trong thời đại mới cũng cấp bách không kém.

Lao động giản đơn giảm rất chậm

TS. Nguyễn Văn Thuật - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cảnh báo, cầu lao động giản đơn đang ngày càng giảm mạnh, tạo nên bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng phình to trong sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0.

Ông giải thích, trong xu thế phát triển chung, các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, trong khi công việc đòi hỏi kỹ năng tinh tế và chính xác, hay công việc được thực hiện theo quy trình lập sẵn… đang được robot đảm nhận ngày càng nhiều dưới sự giám sát và điều khiển của con người. Còn lao động giản đơn chỉ có thể đảm nhận những công việc mang tính chất dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu, đòi hỏi kỹ năng mềm ngày càng cao. Đây cũng chính là tính tất yếu trong phân công lao động xã hội thời đại CMCN 4.0.

Trong khi đó, là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế Việt Nam chỉ “vàng” về số lượng chứ chưa “vàng” về chất lượng.

TS. Nguyễn Văn Thuật cho biết, có gần 77% lực lượng lao động trong nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Với khoảng 43 triệu lao động giản đơn, thì phần lớn trong số này không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp. Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hàng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012-2017.

Trên thực tế, loại hình lao động giản đơn đã khá ít trong khu vực chính thức, tương lai sẽ càng ít hơn, bởi giới chủ DN đều đã tính đến bài toán áp dụng tự động hóa nói riêng, công nghệ hiện đại đa tiện ích nói chung, để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ cắt giảm nhân lực không phù hợp trong tương lai, chuyển dịch ngày càng nhanh chóng từ tận dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang máy móc, công nghệ hiện đại.

Thay đổi nhanh để thích ứng

Không phủ nhận những nguy cơ đối với lực lượng lao động giản đơn, song PGS,.TS. Cao Văn Sâm - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, CMCN 4.0 làm mất đi nhiều việc làm giản đơn nhưng không có nghĩa là không tạo ra các việc làm khác cho lực lượng này, vì không phải việc gì công nghệ cũng vào được. Tuy nhiên, theo ông Sâm, để đối tượng này sớm thích nghi với các công việc mới phát sinh, cần phải trang bị 2 kỹ năng cơ bản cần thiết là kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp.

PGS,.TS. Mạc Văn Tiến - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cảnh báo, trong xu thế chung hiện nay, cứ 5 năm thì 30% kỹ năng hiện có của người lao động sẽ phải thay đổi, nếu không sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi. Và ranh giới giữa các ngành nghề rất mỏng manh. Như vậy 15 năm sau thế hệ trẻ có thể đã thay đổi toàn bộ kỹ năng thiết yếu hiện nay để thích ứng với tình hình mới. Đây là vấn đề khó khăn song cũng là cơ hội để lực lượng lao động kịp thời thích ứng với những thay đổi và yêu cầu của thị trường.

Mặt khác, ông Tiến lưu ý, một quốc gia muốn chuyển sang CMCN 4.0 phải có 4 tập hợp cơ bản gồm lực lượng lao động có kỹ năng, nền kinh tế sáng tạo và hiệu quả, cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại, thể chế chính sách phù hợp; trong đó lực lượng lao động là quan trọng nhất. Thế nhưng điều đáng lo ngại là Việt Nam chưa sẵn sàng đối với cả 4 yếu tố này.

Cũng có cái nhìn đầy lo lắng về chất lượng lao động, ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những lý do khiến chất lượng năng suất lao động khó bứt phá để tạo nền tảng cho CMCN4.0 chính là do đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Việt Nam rất thấp.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ mức đầu tư cho hoạt động này là 0,44% GDP/năm, trong khi đó EU năm 2013 đầu tư 2,01% GDP; Mỹ 2,8%; Nga 1,13%; Trung Quốc 2,01%; Nhật Bản 3,47%; Hàn Quốc 4,15%; Singapore 2,1%; Malaysia 1,07%… Một con số khác là chi phí đào tạo cán bộ khoa học công nghệ của Việt Nam chỉ là 1.000 USD/người/năm, còn các nước phát triển là khoảng 55.000 USD/người/năm, gấp 55 lần so với Việt Nam.

Đồng tình như vậy, PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực ASEAN, thua cả Lào và Campuchia. Thế nhưng đáng lo hơn cả là khoảng cách này đang có xu hướng doãng ra chứ không được thu hẹp lại, cho thấy Việt Nam đang tụt hậu xa hơn so với các nước khu vực về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động…

Để đẩy mạnh năng suất lao động, ông Tuấn khuyến nghị, cần phải lấy DN làm nòng cốt và liên kết với nhau để tạo ra chuỗi giá trị mà Việt Nam làm chủ, như vậy mới giải quyết căn cơ việc làm cho cả lực lượng lao động giản đơn cũng như lao động kỹ thuật, lao động chất lượng cao. Theo vị này, phải tạo ra liên kết dựa vào mạng sản xuất và thị trường.

“Chúng ta không tạo ra môi trường liên kết thực sự, cứ tư duy liên kết vùng theo kiểu tỉnh nào sát nhau thì liên kết trong khi thị trường không cần như vậy. Thay vào đó cần đề cao vai trò DN và kết nối theo cụm ngành, chuỗi giá trị” - ông Tuấn nhấn mạnh.