Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất sạch
Năm 2022, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng chương trình công tác trọng tâm, thực hiện các hoạt động khuyến công tập trung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển sản xuất, kinh doanh. Góp phần đẩy mạnh tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã triển khai 12 đề án khuyến công. Trong đó có 4 đề án khuyến công quốc gia và 8 đề án khuyến công địa phương, tổng nguồn vốn thực hiện 9.736,4 triệu đồng. Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.805 triệu đồng; nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 810 triệu đồng và nguồn khác là 5.121,4 triệu đồng. Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện đề án theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đều cho biết, mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của khuyến công ngày càng được nâng cao, bởi hoạt động này mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ chỗ còn gặp nhiều khó khăn vì không có tài chính đổi mới đã được hỗ trợ một phần vốn để mạnh dạn đầu tư để đổi mới máy móc, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao. Góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động khuyến công, Sở Công thương Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đạt hiệu quả. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công và thành lập mạng lưới khuyến công cấp cơ sở.
Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT. Rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
Huy động các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công, tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công hằng năm nhằm tăng sức lan tỏa của chính sách khuyến công. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh… nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển.