Ưu tiên phát triển điện gió, năng lượng tái tạo từ biển
Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong đó quan tâm điện gió và năng lượng tái tạo từ biển là giải pháp giúp Việt Nam có thể sớm đạt được cam kết Net Zero năm 2050.
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC với chủ đề "Bền vững, khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng".
Chủ tịch nước chia sẻ quan điểm Việt Nam coi ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia và cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải methane, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh Việt Nam là một trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế đến triển khai trong thực tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là nỗ lực cần rất nhiều kinh phí để hiện thực hóa. WB ước tính, riêng tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thải carbon và nâng cao khả năng chống chịu có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong lộ trình tiền tới Net Zero, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là quá trình chuyển sang công nghiệp sạch. Ở Việt Nam, một trong những yếu tố phát thải nhiều là nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than.
Việt Nam được khuyến nghị cần chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, loại năng lượng này cũng có nhược điểm không dễ giải quyết, chẳng hạn như chất thải từ pin. Hiện nay, thế giới đã chuyển sang năng lượng tái tạo từ sóng biển và thủy triều.
Bên cạnh đó, vấn đề ăn uống, bao gồm cả dịch vụ và nếp sinh hoạt gia đình cũng là một vấn đề tác động lớn tới môi trường. Việt Nam đang sử dụng than củi, rơm rạ khá nhiều. Nếu giảm phát thải, đồng nghĩa với việc phải dùng điện để đun nấu. Vấn đề này có thể giải quyết sớm ở đô thị, nhưng ở nông thôn là câu chuyện khác do thu nhập của người dân nhìn chung còn thấp. Ngoài ra, Việt Nam đã có chủ trương không dùng gạch nung từ lâu, nhưng đến nay những lò gạch, gốm sứ nung vẫn còn tồn tại nhiều và chưa có chuyển biến kỹ thuật. Theo đó, các làng nghề, hộ gia định có thể chuyển sang dùng khí hóa lỏng để giảm thiểu khí thải.
Về giải pháp cụ thể hơn, theo GS. Võ, quá trình phát triển rừng để hấp thụ carbon là vấn đề Việt Nam luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ quốc tế. Việt Nam chỉ cần giảm mức phát thải đi một nửa là cơ bản xử lý được vấn đề. Lời giải nguồn vốn có thể nằm ngay từ cơ chế thương mại carbon.
Cũng về giải pháp tài chính, GS. Võ nhận định, WB sẵn sàng cho Việt Nam vay ưu đãi, nhưng Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề, bởi tiền vay phải tạo được ra lợi ích.