Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thường kỳ thứ 3
Chiều ngày 22/9, sau 8 ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả, hoàn thành chương trình đề ra để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp Quốc hội và quyết định các nội dung theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thường kỳ thứ 3.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với 8 ngày làm việc liên tục, Phiên họp thường kỳ lần này là một trong những phiên họp thường kỳ dài nhất trong năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập trung xem xét các nội dung trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Qua 8 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, trong đó có điều chỉnh bổ sung thêm một số nội dung quan trọng và cấp bách. Qua quá trình phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất làm rõ được những vấn đề đồng tình, được chuẩn bị kỹ, đủ điều kiện trình Quốc hội và những nội dung cần tiếp tục được bổ sung hoàn thiện; xem xét và quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về: tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo; báo cáo về kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội tính đến thời điểm tháng 8/2021.
Trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến đối với 6 dự án Luật trong tổng số 07 dự án Luật sẽ trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tới đây. Đó là các dự án: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao, "từ sớm, từ xa" trong việc chuẩn bị các dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hồ sơ các dự án Luật trình được chuẩn bị đầy đủ, đúng quy định; các báo cáo thẩm tra sắc sảo.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tới đây theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, rà soát bổ sung một số nội dung và sẽ xem xét cho ý kiến lại dự án Luật này tại phiên họp tháng 10/2021...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi bế mạc Phiên họp, các cơ quan trình dự án Luật cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội. Đồng thời, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra và cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lượng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện, tập trung nâng cao chất lượng các dự án luật, đảm bảo tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng, sau khi được ban hành, các dự án Luật sẽ có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý, tạo hành lang pháp lý, chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy phát triển.
Cũng trong Phiên họp chiều ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn lực từ ngân sách Trung ương số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 như tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ xử lý nguồn lực dự phòng này để ưu tiên chống dịch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định Luật Ngân sách Nhà nước và nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Đồng thời, Chính phủ bảo đảm việc thu hồi, cắt giảm tiết kiệm nguồn kinh phí theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, chi thường xuyên thu hồi chi chưa cần thiết hoặc chậm triển khai...