Vài điều trông thấy về hoạt động dịch vụ tư vấn, kế toán thuế
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến 14/10/2016, có 315 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ và đủ điều kiện đại lý thuế, với khoảng 900 cá nhân đủ điều kiện hành nghề (trên tổng số gần 500 ngàn doanh nghiệp cả nước). Nhưng trên thực tế số người hoạt động nghề này còn lớn hơn nhiều.
Nhu cầu rất lớn
Tình cờ một lần trò chuyện cùng với anh bạn thân lâu không gặp, hỏi thăm công việc làm ăn của gia đình. Ông bạn chia sẻ: “Dạo này vợ tôi thôi không làm kế toán công ty trước đây nữa, mà chuyển sang tự làm. Đi làm kế toán cho nhiều công ty tư nhân, cũng “kiếm” được ra phết”.
Rồi ông bạn kể, vợ làm kế toán cho khoảng gần hai chục công ty, mà chỉ chuyên làm kế toán thuế (còn tính toán, sổ sách kinh doanh thì họ tự làm). Mỗi tháng đến doanh nghiệp (DN) một hai buổi, kiểm tra sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Cái nào thiếu hóa đơn đầu vào, đầu ra thì phải cân đối lại cho đủ, rồi làm kê khai nộp thuế… “Mỗi tháng cũng thu nhập vài ba chục triệu, khỏe hơn cả mình, mà lại chủ động”- anh bạn kết luận.
Cũng có lần, bản thân người viết cũng được một người chủ của một DN tâm sự, công ty nhỏ chỉ một hai người, giám đốc kiêm luôn sổ sách, bán hàng… Thực ra thành lập công ty cũng chỉ vì bán hàng phải có hóa đơn cung cấp cho khách thì họ mới mua. Sổ sách tính toán thì có gì đâu, ghi chép rồi nhớ giá mua, giá bán trừ đi là lãi là xong.
Mô hình công ty nhỏ nên cũng chả phải hạch toán, khấu hao tài sản… gì cả. Chỉ có việc nộp thuế là hơi phức tạp, nhưng thuê riêng kế toán thì không đủ tiền, nên thấy có người quen thì thuê làm luôn, tháng trả khoảng 3- 4 triệu đồng làm có một hai buổi thế là mọi việc đều ổn...
Cũng liên quan đến cái lĩnh vực thuế, tôi có một người quen trước đây thường đi làm “thầy” chuyên đi giảng chính sách thuế ở một cục thuế lớn, giờ về nghỉ hưu mà không thiếu việc để làm. Suốt ngày DN gọi điện hỏi chính sách, rồi giải đáp,... cũng bận rộn nhưng nguồn thu nhập cũng lại kha khá.
Người muốn thì không đủ điều kiện và ngược lại
Một lần khác, gặp một người quen đang sống ở Ninh Bình. Hỏi chuyện làm ăn, người này kể rằng đang làm nghề kế toán thuế thuê. Vợ chồng anh đang làm cho khoảng hơn chục DN trên địa bàn tỉnh. Có khoảng 4- 5 người làm cho anh nhưng chưa thành lập DN. Thu nhập không cao lắm nhưng cũng đủ sống. Tôi hỏi:
- Đấy là nghề đàng hoàng, người ta đang khuyến khích? Sao không thành lập công ty mà làm?
- Vâng em cũng đang tính thế.
- Làm nghề này hợp pháp là phải có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế? Trong số anh em có ai có không?
- Có chứ. Nhưng chỉ một hai người thôi. Mà đại lý nào chả thế, chỉ một hai người có làm đại diện, còn lại là “làm chui”. Em thì chưa có vì ngày xưa học trung cấp kế toán. Sắp tới, em cũng tính phải đi học lấy cái bằng đại học, lấy chứng chỉ thì mới mở được công ty. Với lại mở công ty lại phải nộp thuế cũng phức tạp...
- Gặp cơ quan thuế có khó khăn gì không?
- Không, bọn em vẫn làm việc bình thường và được cục thuế hướng dẫn chu đáo…
Cách đây vài năm, dự một cuộc hội thảo của Tổng cục Thuế với cơ quan thuế Nhật Bản, tôi có nghe chuyên gia nói: Ở Nhật, hệ thống đại lý thuế cực kỳ phát triển. Những cán bộ thuế cao cấp khi về hưu thường tiếp tục hoạt động nghề đại lý. Chính phủ Nhật hết sức hỗ trợ và coi họ là cầu nối quan trọng giữa DN và cơ quan thuế. Và đây là nguồn quan trọng cung cấp nhân lực cho hệ thống đại lý thuế.
Nhưng muốn làm được như vậy thì chính sách thuế phải ổn định, những người về hưu thực sự là các chuyên gia đáng tin cậy. Nếu mình tư vấn cho người ta mà ra cơ quan thuế lại bảo sai thì ai còn tin vào tư vấn nữa. Một số người lại có tư tưởng, làm thế là giúp DN đối phó với cơ quan thuế, là không tốt…
Mặt khác, khác với đại lý thủ tục hải quan (cũng có một phần thuế) phải “ra mặt” để làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, đại lý thuế chủ yếu “đứng sau lưng” DN. Bởi vậy đại lý thuế thường khó quản lý hơn, mặc dù nghề này có nhiều sức sống.
Trong danh sách khoảng 315 DN đủ điều kiện làm dịch vụ đại lý thuế của Tổng cục Thuế, mỗi DN chỉ có 2- 3 người có đủ điều kiện (chứng chỉ…), vừa đủ theo quy định. Thực tế, số lượng người tham gia làm dịch vụ này chắc chắn hơn thế nhiều, ngay cả trong các công ty này.
Thực tế đó cho thấy, cần phải tìm được giải pháp làm sao để vừa tạo điều kiện để hoạt động dịch vụ tư vấn thuế tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo chất lượng, nhưng cũng vừa khuyến khích được ngành nghề dịch vụ tư vấn thuế này phát triển, để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp